Cần phân loại đúng cách chất thải rắn sinh hoạt

Trong Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020 do UBND TP.HCM ban hành, công tác phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình được xem là một trong điểm mấu chốt quan trọng. Và mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã ban hành hướng dẫn phân loại CTRSH để người dân dễ dàng thực hiện.

Phân chia theo từng nhóm

Tạp chí, báo, giấy, sách vở; vỏ hộp sữa... là những rác thải có khả năng tái chế. Ảnh: MT

CTRSH được phân thành nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng hay còn gọi là phế liệu... Chất thải hữu cơ dễ phân hủy có thể là thức ăn thừa, các loại thực phẩm hết hạn sử dụng; rau, củ, quả hư hỏng; cỏ, lá cây, hoa các loại; bã trà, cà phê; vỏ hạt trái cây; xác động vật; phân gia cầm, gia súc nuôi; bã mía, rơm rạ... Nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng như tạp chí, báo, giấy, sách vở; vỏ hộp sữa, hộp giấy carton, thùng carton, hộp đựng trứng, khay đựng trứng; đồ nhựa các loại (lon nước ngọt, xô, chậu, túi...); đồ nhôm (lon bia, nồi, ấm...); đồ thủy tinh (chai, lọ...), kim loại (sắt, thép...); nhóm cao su (vỏ xe, dép, săm lốp...). Ngoài ra còn một số loại chất thải khác như tã em bé, vỏ bao bì bánh, kẹo, giấy bạc, hạt hút ẩm, đồ sành, sứ, gốm vỡ, túi nylon, giấy ăn đã sử dụng, vải, sợi cũ, găng tay cao su, tóc, lông động vật, đất, cát...

Sở TN&MT cũng lưu ý rác có kích thước lớn như xà bần, gỗ, tủ, bàn, ghế sofa… không được bỏ chung vào rác sinh hoạt. Thay vào đó hộ gia đình, chủ nguồn thải cần thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển có chức năng để chuyển giao. Các loại chất thải sinh hoạt nguy hại như pin đã qua sử dụng, bóng đèn hư cũ, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử phải được mang đến các điểm tiếp nhận hoặc điểm thu hồi chất thải nguy hại. Hướng dẫn phân loại CTRSH do Sở ban hành cũng đề cập chi tiết lộ trình thực hiện, tổ chức thu gom rác sau phân loại, quy định nhãn dán trên thùng, phương tiện thu gom tại nguồn, phương tiện vận chuyển CTRSH sau phân loại đến nơi xử lý, thời gian địa điểm thu gom rác...

Xử lý ô nhiễm rác thải

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 của Bộ TN&MT, CTRSH phát sinh ở các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTRSH của cả nước. Trong khi năm 2014, khối lượng CTRSH đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày thì đến năm 2015, con số này là 38.000 tấn. Riêng tại Hà Nội, TP.HCM, dự đoán lượng chất thải sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nếu không được xử lý triệt để, đúng cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết mỗi ngày TP thải ra 8.300 tấn chất thải sinh hoạt, 1.500 tấn chất thải rắn, 374 tấn chất thải nguy hại. Do vậy thực hiện thành công chương trình phân loại CTRSH tại nguồn là nền tảng để môi trường TP ngày càng sạch, đẹp hơn. Tại các khu vực đô thị, vấn đề ô nhiễm rác thải tại các bãi tập kết, trạm trung chuyển hay mùi hôi thối, nước rỉ rác từ các xe, phương tiện vận chuyển rác thải vẫn là vấn đề gây bức xúc cũng như tác động không nhỏ tới cộng đồng. Cũng vì lý do này mà trong thời gian tới, việc quy hoạch lại trạm trung chuyển rác thải, nhà vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh môi trường sẽ được Sở triển khai quyết liệt hơn.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với Công ty Công ty TNHH Thủy Lực – Máy (HMC), UBND quận Bình Tân đã tổ chức buổi tham quan đề án thực nghiệm Nhà máy điện rác Gò Cát. Đoàn tham quan có sự góp mặt của lãnh đạo UBND quận Bình Tân, bà con nhân dân sống xung quanh công trường. Ngay sau khi tham quan công trường Gò Cát, bà con nhân dân đã có những ý kiến đóng góp xây dựng, đặc biệt quan tâm đảm bảo chất lượng môi trường trong và ngoài nhà máy.

Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc HMC khẳng định việc ô nhiễm tuyệt đối sẽ không xảy ra khi nhà máy đi vào hoạt động. Nếu có, công ty chấp nhận di dời nhà máy, hoàn toàn chịu trách nhiệm, đồng thời mời các đoàn hàng tuần vào giám sát hoạt động tại nhà máy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm