Bệnh viện tự chủ ở TP.HCM lo lắng thâm hụt kinh phí

(PLO)- Lãnh đạo BV Lê Văn Thịnh, đơn vị tự chủ chi thường xuyên, cho biết gặp nhiều khó khăn như thiếu kinh phí, càng làm càng thâm hụt...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế giai đoạn từ ngày 1-1-2020 đến tháng 6-2022 tại Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức.

Thâm hụt kinh phí

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết BV được giao quyền tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016 đến nay.

Theo BS Khanh, nhờ thực hiện tự chủ, BV đã chủ động mạnh mẽ phát triển các hoạt động phục vụ khám chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

“BV đã tạo nên sự phát triển vượt bậc đối với BV tuyến quận, huyện ở TP.HCM. BV còn được người dân tin tưởng lựa chọn đến khám chữa bệnh, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, đồng thời chia sẻ khó khăn cho các vùng lân cận” - BS Khanh cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo BS Khanh, trong quá trình thực hiện quyền tự chủ chi thường xuyên, BV cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Kinh phí bỏ ra đầu tư không nhỏ

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, BV muốn phát triển thì thu phải nhiều hơn chi. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, BV sẽ đối diện với cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị cũ kỹ cần thay mới, trong khi đó còn phải nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế... Do vậy, kinh phí BV bỏ ra để đầu tư không nhỏ.

Theo quy định, biểu giá dịch vụ kỹ thuật y tế được cấu thành từ bảy yếu tố chính. Tuy nhiên, hiện cơ cấu giá khám chữa bệnh áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới chỉ được tính 4/7 phần. Riêng ba phần còn lại gồm chi phí nhân sự gián tiếp; khấu hao thiết bị, máy móc; chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá.

“Việc này gây nên tình trạng thâm hụt và không có nguồn tái đầu tư cơ sở vật chất. Chưa hết, máy móc, thiết bị ngày càng lạc hậu, chất lượng khám chữa bệnh không được nâng cao, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao” - BS Khanh chia sẻ.

Thanh toán BHYT chưa phù hợp

BS Khanh còn cho biết việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh dựa trên định mức số lượt tối đa được quy ước trong việc xây dựng giá là chưa phù hợp.

“Tôi xin đưa ra thí dụ, khuyến cáo của nhà sản xuất đối với bóng đèn máy CT-Scanner là chỉ chụp tối đa 10.000 ca. Tuy nhiên, nếu số ca chụp vượt định mức khuyến cáo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thì BV bị xuất toán (BHYT từ chối thanh toán - PV)” - BS Khanh trình bày.

Người dân khám chữa bệnh tại BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Người dân khám chữa bệnh tại BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

BS Khanh cho rằng: “Nếu BV làm theo đúng quy định thẩm tra thay thế thiết bị chưa hỏng sẽ gây lãng phí. Còn nếu như máy hỏng sớm hơn, buộc BV phải thay mới để phục vụ người dân thì không được tính thêm vào giá dịch vụ y tế phần chi phí tăng thêm. Điều này chưa phù hợp”.

Đề cập đến việc tạm ứng và quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, BS Khanh cho biết 80% chi phí khám chữa bệnh BHYT dựa vào quý trước để tạm ứng cho BV hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ.

“Ba tháng sau, 20% còn lại mới được quyết toán, số tiền này rất lớn. Trong khi tiền lương, phụ cấp và thu nhập khác phải chi theo tháng, tiền điện và nước thanh toán theo kỳ. Chưa hết, BV còn phải dự trữ thuốc, vật tư, hóa chất theo cơ số cho việc khám chữa bệnh nên chi phí khá lớn. Điều này khiến BV gặp không ít khó khăn” - BS Khanh cho biết.

Từ những tồn tại trên, BS Khanh mong muốn sớm có chủ trương hoặc ban hành khung giá khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ chi phí. Trong khi chờ đợi chủ trương, đề nghị ngân sách cấp bổ sung phần thiếu hụt dành cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời mở rộng đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm đối với người lao động trong cơ sở y tế và đề nghị ngân sách cấp bù phần thiếu hụt khi đơn vị cân đối chưa đủ.

“Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản, ban ngành cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra trong công tác khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, xem xét lại việc cấp kinh phí tạm ứng 80% chi phí khám chữa bệnh do còn thấp” - BS Khanh nói.

Còn nhiều quy định chưa phù hợp

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ghi nhận chỉ sau một thời gian ngắn, BV Lê Văn Thịnh đã nỗ lực trở thành BV tuyến quận, huyện hạng 1 ở TP.HCM, thu hút đông bệnh nhân.

“Hiện còn nhiều quy định thực sự chưa phù hợp nên tôi rất chia sẻ với những khó khăn mà BV gặp phải. Tôi thống nhất với những kiến nghị của BV và đề nghị BV trình bày cụ thể các kiến nghị đó bằng văn bản. Sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ tổng hợp để góp ý cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đầu tư sửa đổi” - bà Tuyết cho biết.

Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với BV Lê Văn Thịnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm