Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn của AIC ghi tiền hối lộ trên máy tính riêng

(PLO)- Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập một bộ phận chi tiền hối lộ và không hạch toán vào hệ thống kế toán của Công ty AIC.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong vụ án xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AIC, đã lợi dụng sự quen biết với ông Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, để được ưu ái trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại 152 tỉ đồng.

Đặc biệt, bà Nhàn cùng cấp dưới tại AIC nhiều lần chi hối lộ cho ông Thành với số tiền 14,5 tỉ đồng; Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh 14,5 tỉ đồng; Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh là 14,8 tỉ đồng.

Vụ án công ty AIC

Ba bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (từ trái qua).

Thông qua lời khai của các bị can, trích xuất dữ liệu, sao kê tài khoản ngân hàng và nhiều biện pháp nghiệp vụ khác, cơ quan công an đã làm rõ nguồn gốc, cách thức, đường đi của các khoản tiền bất chính nêu trên.

Theo đó, bà Nhàn thành lập Ban Thư ký tài chính thuộc Công ty AIC, do Nguyễn Thị Thu Phương - hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam làm trưởng ban. Ban này có chức năng thực hiện thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của bà Nhàn. Việc thu chi đều có ghi chép sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không hạch toán vào hệ thống kế toán của AIC.

Nguồn tiền Ban Thư ký tài chính có được là tiền từ các công ty “sân sau” chuyển về do ký các hợp đồng mua bán hàng hóa nâng khống giá trị; đồng thời ký các hợp đồng mua hàng hóa của các đối tác bên ngoài với giá cao, sau đó các đối tác ký xác nhận giảm giá chuyển tiền giảm giá cho ban.

Từ năm 2011 đến năm 2020, các nhân viên Công ty AIC nhận tiền từ Ban Thư ký tài chính để chuyển tiền vào tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh, nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Thương mại tổng hợp Nam Bộ - do bà Nhàn thành lập, điều hành.

Tiếp đó, Phương Anh rút tiền mặt giao cho bà Nhàn và cấp dưới tại AIC chi tiền theo cơ chế “ngoại giao” cho lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư. Trong số này, toàn bộ tiền mà bà Nhàn chi cho ba cựu quan chức Đồng Nai đều có nguồn gốc từ Ban Thư ký tài chính.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê các tài khoản tại ba ngân hàng khác nhau của Hoàng Thị Phương Anh, qua đó xác định tổng số tiền các cá nhân đã chuyển vào lên tới gần 500 tỉ đồng.

Khai với công an, Hoàng Thị Phương Anh cho hay tiền sau khi chuyển vào các tài khoản sẽ được rút ra để trả lương cho nhân viên, chi phí văn phòng hoặc đưa cho lãnh đạo công ty để giải quyết công việc.

Phương Anh nhiều lần rút tiền để đưa cho bà Nhàn và lãnh đạo Công ty AIC, mỗi lần rút từ một đến năm tỉ đồng, không mở sổ sách ghi chép, cũng không biết tiền này được sử dụng vào mục đích gì.

Vẫn theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2014-2015, dự án BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai được Trung ương bố trí cho tạm ứng vốn trái phiếu chính phủ và vốn kho bạc nhà nước với số tiền 666 tỉ đồng (trong đó vốn trái phiếu chính phủ bố trí vượt hơn 69 tỉ đồng so với mức quy định), tương ứng khoảng thời gian chủ đầu tư thanh toán cho Công ty AIC với số tiền 665 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Công ty AIC được xác định trúng thầu nhiều dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương. Do đó, để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các dự án có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tách phần điều tra xác minh việc phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn Ngân sách Trung ương để làm rõ và xử lý sau.

3 kiến nghị của cơ quan điều tra

Cùng với việc đề nghị truy tố 36 bị can, Cơ quan CSĐT có ba vấn đề kiến nghị trong quá trình điều tra vụ án nêu trên.

Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định của pháp luật.

Thứ hai, quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý; yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan Thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh” dự thầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm