Chính thức khởi công cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hơn 8.000 tỉ tại TP.HCM

(PLO)- Việc triển khai thi công, hoàn thành dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ tạo nên bước đột phá cho hạ tầng đô thị ở TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-2, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Lãnh đạo TP tham dự buổi khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: NC

Lãnh đạo TP tham dự buổi khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: NC

Dự án đi qua bảy quận, huyện của TP.HCM, có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách TP là 4.200 tỉ đồng.

Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045. Ảnh: NC

Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045. Ảnh: NC

Dự án sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía Tây và phía Bắc TP, cải tạo môi trường, kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội cho TP.HCM cũng như những khu vực lân cận.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, chia sẻ: dự án cải tạo này đi qua nhiều quận, huyện của TP, với diện tích lưu vực 14.900 ha, đây là một trong những con kênh có chiều dài lớn của TP. Nhiều năm qua các cấp chính quyền đã nỗ lực trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đồng bộ công trình dẫn đến các nỗ lực của các cấp chính quyền, của người dân chưa thật sự phát huy hiệu quả, nhiều tuyến kênh vẫn còn tình trạng ô nhiễm.

"Việc triển khai thi công, hoàn thành dự án hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá trong các công trình hạ tầng đô thị, tạo diện mạo đô thị mới cho khu vực nói riêng và TP nói chung. Do đó việc thi công hoàn thành dự án theo mục tiêu, tiến độ đề ra là yêu cầu bắt buộc mà lãnh đạo TP đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án"- ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công.

Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành TP tập trung phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đề nghị UBND các quận, huyện có liên quan tiếp tục tập trung vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.

"Các chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng. Cần huy động nhân lực, thiết bị thi công, vật tư, vật liệu và có kế hoạch thi công chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành. Đặc biệt, các địa phương để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, mỹ quan đô thị và an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí"- Ông Mãi nói.

Ông Mãi đánh giá, việc triển khai thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo nên bước đột phá cho hạ tầng đô thị TP, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng và TP nói chung, hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua bảy quận huyện, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm