Chủ tọa tuyên 5 bị cáo trắng án: Đó là quyết định đúng!

Ông cho biết đây là một phán quyết khó khăn, từng khiến ông nhiều đêm không ngủ được...

HĐXX phúc thẩm tuyên năm bị cáo không phạm tội gồm thẩm phán Nguyễn Minh Thành (chánh án TAND huyện Kon Rẫy, chủ tọa phiên tòa), thẩm phán Phạm Hữu Luân (chánh án TAND huyện Đăk Glei), thẩm phán Trần Phú Lợi (chánh án TAND huyện Ia H’Drai). Cả ba thẩm phán đều được TAND tỉnh điều động về để xét xử phúc thẩm vụ án này.

Clip: Tuyên 5 bị cáo trắng án, thẩm phán Nguyễn Minh Thành nói gì?

Theo thẩm phán Nguyễn Minh Thành (ảnh), đây là bản án đầu tiên mà ông tuyên các bị cáo không phạm tội và với ông đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

“Chúng tôi không thể làm khác”

. Phóng viên: Tuyên các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản, ông và các thành viên còn lại trong HĐXX có bị áp lực gì không, thưa ông?

Thẩm phán Nguyễn Minh Thành

+ Thẩm phán Nguyễn Minh Thành:Về nguyên tắc, HĐXX độc lập, không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được can thiệp. HĐXX xét xử khách quan, vô tư, dựa trên những diễn biến tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết.

Trong vụ án này có tới năm bị cáo, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của các bị cáo và cả uy tín của ngành tòa án. Do đó tôi cũng rất trăn trở, nhiều đêm không ngủ được. Với trách nhiệm nghề nghiệp, chúng tôi không thể làm khác!

. Thưa ông, nhiều vụ có dấu hiệu oan sai nhưng các tòa phúc thẩm thường không tuyên bị cáo vô tội ngay mà chỉ hủy bản án sơ thẩm để giao cho cấp dưới giải quyết. Tại sao ông và các thành viên HĐXX lại không làm như vậy?

+ Chúng tôi không muốn né tránh hay đùn đẩy công việc. HĐXX đã đánh giá rõ về hành vi của các bị cáo, vấn đề còn lại ở đây là áp dụng pháp luật. Nếu hủy án sơ thẩm thì kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả năm bị cáo. Tôi không hài lòng việc tìm mọi cách để cho rằng vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng để lấy lý do hủy bản án của tòa cấp dưới. Chúng ta phải hiểu được bản chất việc vi phạm tố tụng đó nó có ảnh hưởng đến việc đánh giá vụ án hay không.

HĐXX do thẩm phán Nguyễn Minh Thành làm chủ tọa tại phiên tòa phúc thẩm lần hai. Ảnh: N.NGA

Xét xử độc lập

Trao đổi qua điện thoại với PV Pháp Luật TP.HCM, ông A Brao Bim (chánh án TAND tỉnh Kon Tum) cho biết đây là vụ án đầu tiên trong hai năm nay mà TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội. Ông A Brao Bim từ chối không nhận xét về phán quyết của HĐXX vì theo ông, HĐXX xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. 

Đó chỉ là vi phạm hành chính

. Điều gì quan trọng nhất để HĐXX tuyên năm bị cáo không phạm tội, thưa ông?

+ Trong vụ án này, đối tượng mà các bị cáo xâm phạm là cây gỗ trắc thuộc rừng đặc dụng. Do đó để đánh giá hành vi của năm bị cáo có phạm tội hay không hay phạm tội thì phải áp dụng Thông tư liên ngành số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao,  TAND Tối cao.

Theo thông tư này, chỉ có thể xử lý đối với các hành vi xâm hại rừng về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) trong trường hợp được hướng dẫn tại điểm b Tiểu mục 1.2. Nhưng rừng đặc dụng Đắk Uy không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh nên không có căn cứ để xử lý năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản.

Do đó, hành vi của các bị cáo chỉ có thể được coi là hành vi khai thác rừng trái phép tại Điều 175 BLHS (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng). Tuy nhiên, tổng khối lượng toàn bộ cây gỗ trắc mà các bị cáo đã khai thác không đủ để xử lý về hình sự mà chỉ có thể xử lý bằng biện pháp hành chính.

. Thưa ông, rất nhiều lần các chuyên gia đã phân tích trênPháp Luật TP.HCM rằng không có cơ sở kết tội năm bị cáo. Điều này có ảnh hưởng đến phán quyết của tòa hay không?

+ Khi vụ án này được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lần đầu, lúc đó tôi còn làm thẩm phán của TAND tỉnh nên cũng có theo dõi ở mức độ trên công luận chứ không nắm sâu về nội dung. Dư luận chỉ để cho chúng tôi quan tâm theo dõi và đi đến một phán quyết phù hợp chứ không phải là áp lực dẫn đến định hướng giải quyết vụ án.

. Xin cám ơn ông.

Nội dung vụ án

Tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho bốn người dân vào rừng đặc dụng Đắk Uy (rừng tự nhiên) cưa một cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện (khúc gỗ mà các bị cáo lấy chỉ có 0,123 m3). Vì vậy, kiểm lâm Dũng cùng bốn người dân trên đã bị công an huyện, VKSND huyện Đắk Hà (Kon Tum) khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản.

Hành vi của năm bị cáo là sai nhưng theo quy định hiện hành thì chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm. Tuy nhiên, tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần đầu vẫn phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần đầu hủy bản án sơ thẩm vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Tại phiên xử phúc thẩm lần hai của TAND tỉnh Kon Tum ngày 1-6-2018, đại diện VKS tỉnh Kon Tum vẫn đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên bố năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Phán quyết của HĐXX đã được người dân địa phương và dư luận ủng hộ vì áp dụng đúng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm