Chuyên gia: Các lệnh trừng phạt lên dầu Nga không phải 'đòn chết người' như phương Tây kỳ vọng

(PLO)- Mặc dù được kỳ vọng là "đòn chết người” nhắm vào ngành kinh tế chủ chốt của Nga, song các biện pháp trừng phạt lên mặt hàng dầu của nước này còn bộc lộ nhiều hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-2, kênh CNBC dẫn đánh giá nhiều phân tích rằng các lệnh trừng phạt lên dầu thô của Nga đến nay đã không cho thấy là "đòn chết người" như phương Tây kỳ vọng, và các mức giá trần mới đối với các sản phẩm dầu cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt. Bên cạnh đó, tờ The Economist cũng dẫn một số hạn chế của các lệnh trừng phạt trên.

Các chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt lên dầu Nga đã thất bại. Ảnh: Tatiana Meel/REUTERS

Các chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt lên dầu Nga đã thất bại. Ảnh: Tatiana Meel/REUTERS

Phương Tây “tổng tấn công” dầu Nga

Nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, phương Tây đã đưa ra hàng loạt các biện pháp trừng phạt lên nền kinh tế Nga, trong đó các sản phẩm dầu của nước này là mục tiêu chính yếu, nhằm hạn chế khả năng tài chính của Moscow cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Mới đây, ngày 3-2, Liên minh châu Âu (EU) đồng ý đặt mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, bao gồm dầu diesel và dầu hỏa, và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm được giao dịch ở mức chiết khấu, chẳng hạn như nhiên liệu dầu, kể từ ngày 5-2, theo hãng Reuters.

Trước đó, EU cùng với các nước đồng minh trong Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) và Úc đã đồng ý áp mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Với mức giá trần đó, phương Tây cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi các lô hàng này được bán với giá thấp hơn mức 60 USD/thùng. Bên cạnh đó, khối 27 quốc gia thành viên này cũng đã cấm mua và nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5-12-2022.

Các biện pháp trừng phạt không phải "đòn chết người"

Nhiều người nghĩ rằng áp mức giá trần lên dầu Nga là một thành công lớn. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới đây của tờ The Economist, dầu Nga vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, chính sách cấm-và-áp giá trần đối với dầu Nga áp đặt hồi tháng 12-2022 đã không hạn chế doanh số bán dầu thô của Moscow. Trong 4 tuần đầu năm 2023, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt mức trung bình 3,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6-2022 và cao hơn bất kỳ giai đoạn 4 tuần nào của năm 2021.

Mặc dù chênh lệch giữa giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế và giá dầu Urals của Nga ngày càng nới rộng, song The Economist chỉ ra vấn đề là các cơ quan phụ trách báo cáo giá cả đã không điều chỉnh phương pháp tính toán cho phù hợp khi mà dầu Nga không còn được bán thông qua các kênh mà họ quan sát được.

Đơn cử, trong khi hãng lọc dầu và thương nhân châu Âu thường chia sẻ dữ liệu với các công ty theo dõi giá cả thì các công ty Ấn Độ lại không làm thế. Các cơ quan cũng thường dựa vào các chỉ số có sẵn công khai để ước tính chi phí vận chuyển giữa các cảng phía tây của Nga và các cảng dầu châu Âu. Trong khi đó, giá vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á lại được ấn định riêng. Hệ quả là các chiết khấu được các quan chức phương Tây trích dẫn thường không chính xác và phóng đại.

Vào ngày 3-2, EU đã đồng ý đặt mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Ảnh: REUTERS

Vào ngày 3-2, EU đã đồng ý đặt mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga cũng giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng vận chuyển và tài chính của phương Tây, đưa Nga thoát khỏi phạm vi của lệnh trừng phạt. Ngoài ra, các giao dịch ngầm thông qua thị trường xám cũng gia tăng nhanh chóng.

Yếu tố Trung Quốc và Ấn Độ

Về lệnh trừng phạt mới nhắm vào dầu tinh chế Nga, The Economist cho rằng về lâu dài, tác động của biện pháp này có thể phai dần vì khi không thể bán dầu tinh chế, Moscow sẽ tăng xuất khẩu dầu thô, khuyến khích các giao dịch ngầm. Và khi không còn mua dầu diesel từ Nga, châu Âu sẽ quay sang mua của Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ nhưng có thể đó chính là sản phẩm của dầu thô Nga. Tóm lại, khi nhiều dầu mỏ Nga chảy ra khỏi tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp phong tỏa sẽ trên kém hiệu quả.

Mức giá trần phương Tây áp đặt lên dầu tinh chế Nga sẽ khiến một phần sản phẩm dầu tinh chế của Moscow, chiếm một phần ba doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này, có thể không bán được, dẫn tới giá dầu tinh chế toàn cầu tăng lên, theo tờ The Economist.

Trao đổi với kênh CNBC, ông Paul Sankey, Chủ tịch và nhà phân tích hàng đầu tại Công ty nghiên cứu Sankey Research, nói rằng giá trần “được các quan chức có bằng cấp về tài chính đưa ra, song không một ai trong số họ thực sự am hiểu về thị trường dầu mỏ”. Theo ông, các biện pháp trừng phạt áp đặt lên những sản phẩm dầu Nga “là một quả bom tổng lực nhưng nó đã thất bại hoàn toàn".

Ông Sankey chỉ ra rằng thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ vì nguồn cung dầu Nga không thực sự bị gián đoạn và họ "vẫn duy trì xuất khẩu dầu ở mức cao”.

“Tôi nghe được tin người Saudi Arabia đã hỏi rằng làm thế nào mà dầu Nga vẫn đang lưu thông khắp nơi. Điều đó đặt ra câu hỏi là điều gì sẽ diễn ra đối với các lệnh trừng phạt sắp tới lên các sản phẩm dầu bởi vì chúng dường như không còn hoạt động” - ông Sankey cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích Vanda Insights, cũng hoài nghi về tác dụng của mức giá trần phương Tây áp đặt lên dầu tinh chế Nga vì theo bà, dầu Nga vẫn được chào đón ở các thị trường như Ấn Độ, TQ.

“Vào năm ngoái TQ và Ấn Độ đã được hưởng lợi khá nhiều từ giá dầu thô của Nga giảm mạnh và điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các sản phẩm tinh chế của Nga” - bà Hari nhận định, dù cũng lưu ý việc tìm thị trường cho những sản phẩm như vậy có thể phức tạp hơn đối với Moscow.

Dù vậy…

Mặc dù khối lượng dầu xuất khẩu vẫn tăng mạnh, giá của hỗn hợp dầu Urals của Nga đã giảm đi nhiều so với thời điểm trước cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo hãng Reuters, giá trung bình của dầu Urals vào tháng 1-2023 là 49,48 USD/thùng, thấp hơn mức giá trần 60 USD/thùng do EU và G7 đưa ra và giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (Phần Lan) cho thấy trong tháng đầu tiên EU cấm nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển và G7 áp giá trần đã làm Moscow tổn thất 160 triệu euro mỗi ngày (tương đương 174,3 triệu USD/ngày). Báo cáo này cũng nói rằng những biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu Nga là nguyên nhân khiến nguồn thu của nước này từ nguyên liệu hóa thạch giảm 17% vào tháng 12 năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm