Để không chết trên đường đi cấp cứu tuyến trên

18 giờ chiều 9-10, một bệnh nhân gần 15 tuổi bị tai nạn đa chấn thương được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) C ở TP.HCM. Trước đó cậu bé than đau ở đùi, người mẹ cho rằng con có khả năng bị gãy xương đùi và nghĩ không đâu chữa gãy xương tốt bằng BV ở TP.HCM. Người mẹ thuê một chiếc xe đưa con đi một mạch từ Bình Phước xuống TP.HCM, không qua sơ cấp cứu ở BV Bình Phước, cũng chẳng vô BV Đa khoa Bình Dương hay bất kỳ một BV nào khác.

Trên đường đi, nạn nhân đòi uống nước liên tục và khó thở. Nước thì có, ôxy thì không. Không chỉ vậy, lại kẹt xe ba tiếng đồng hồ khi vào gần đến TP.HCM. Khi đến được BV, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn 6 mm, không đáp ứng với ánh sáng. Mặc dù đã được các bác sĩ (BS) xoa bóp tim ngoài lồng ngực, được đặt nội khí quản để thở máy... nhưng hồi sức vô hiệu, cậu bé đã tử vong. Các BS chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương xuất huyết nội.

cấp cứu tại chỗ trước

ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho rằng bệnh nhân sẽ có cơ hội sống nếu người mẹ đưa em vào một cơ sở y tế gần nhà nhất để nhân viên y tế đánh giá thương tổn, sơ cấp cứu ban đầu, đặt đường truyền, thở ôxy, truyền máu... và chuyển đi an toàn. Trong nhiều trường hợp, nếu người chứng kiến người bị té hoặc tai nạn mà có kỹ năng sơ cứu thì nên sơ cứu tại chỗ hoặc trên đường đi bằng ép tim ngoài lồng ngực (nếu khó thở) hay nẹp chân tay nếu gãy chân tay và nên đưa bệnh nhân đến trạm y tế gần nhất để xử lý.

Nhiều trường hợp nạn nhân chết trước khi vào BV tuyến trên do không được cấp cứu kịp thời ở tuyến dưới. Ảnh: TL

Theo BS Quang Huy, việc đưa đến cơ sở y tế gần nhất là cần thiết để nhân viên y tế nhận định, chẩn đoán đúng đắn về tình trạng của bệnh nhân và hướng điều trị. Sau đó nhân viên y tế sẽ ổn định bệnh nhân trên đường vận chuyển chuyển đến BV tiếp theo. Nếu tại đó không có xe cứu thương, máy móc, trang thiết bị cứu thương thì họ sẽ huy động ở các cơ sở y tế khác trong hệ thống. Với người dân, đặc biệt là người không có kinh nghiệm thì khi tiếp cận bệnh nhân chỉ biết những tổn thương bên ngoài, còn những tổn thương bên trong như chấn thương sọ não, xuất huyết nội tạng… sẽ không đánh giá được. Điều này đòi hỏi người có kinh nghiệm và có cả thiết bị để chẩn đoán mới có thể biết được.

Ngoài ra trong quá trình vận chuyển, để đảm bảo an toàn, thành công thì cần có những thiết bị hỗ trợ như băng ca, bình ôxy, dịch truyền, kiểm soát tuần hoàn hô hấp… “Trong vận chuyển bệnh nhân còn phải nói đến xe có ưu tiên hay không ưu tiên. Như trường hợp nêu trên, kẹt xe ba giờ nên không thể đến BV để cấp cứu và bệnh nhân tử vong. Nếu xe có còi hụ, có trang thiết bị trên xe thì có nhiều khả năng cứu được bệnh nhân” - BS Huy nói.

Cần có những trung tâm 115 vùng

Hiện nay một số người dân các tỉnh, thành khác chưa thật sự tin vào tuyến y tế cơ sở. Tất cả bệnh nhân đều muốn đến chuyên khoa sâu tại TP.HCM. Muốn người dân tin thì phải tăng cường khả năng chuyên môn, tuyên truyền cho người dân biết khả năng của tuyến y tế cơ sở tới đâu, đáp ứng ra sao… Cho người dân biết những trường hợp nào đưa lên tuyến trên, những trường hợp nào ở lại tuyến dưới. Nếu tất cả đều đi một mạch lên TP.HCM không chỉ gây ra quá tải BV mà còn gây mất an toàn cho bệnh nhân.

BS Quang Huy cho rằng nếu có một trung tâm 115 vùng, 2-3 tỉnh một trung tâm thì những trường hợp tương tự sẽ được xử lý kịp thời. Hoặc có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh với nhau, giữa tuyến dưới và tuyến trên thì rất tốt. Thí dụ, tuyến dưới đang vận chuyển bệnh nhân cấp cứu và báo cho tuyến trên biết trường hợp như vậy, xử lý như vậy và yêu cầu tiếp nhận… thì sẽ tốt hơn cho bệnh nhân.

Clip từ nguồn Internet

Cấp cứu hay tra tấn nạn nhân?

Ngày 19-10, trên mạng xuất hiện một clip dài một phút 21 giây quay cảnh người dân đang sơ cấp cứu cho một người trong tình trạng bất tỉnh. Nạn nhân được đặt ngồi bệt dưới đất, một người đỡ phía sau lưng, một người đỡ cổ, đằng trước một người đàn ông nắm hai tay nạn nhân và dùng chân phải, lấy hết sức đá liên tục vào ngực nạn nhân. Thấy không có hiệu quả, người này tiếp tục dùng tay đấm liên tục vào ngực nạn nhân. Đám đông hiếu kỳ xung quanh có người nói đập như vậy sẽ chết, có người thì bảo phải đập mạnh hơn. Sau một hồi thấy nạn nhân không tỉnh, người đàn ông lui ra.

Lúc này một chị khác nặng chừng 50 kg xông vào, chị này nắm tay một người bên cạnh leo lên ngực nạn nhân và “nhảy” gần 10 cái. Phía ngoài đám đông mách bảo phải “nhảy” đúng tim! Xong chị này lui ra, một người đàn ông dùng tay ép tim, phổi cho bệnh nhân nhưng cũng chẳng ăn thua. Đám đông bảo nhau lấy xe máy đèo nạn nhân đi!

Để không chết trên đường đi cấp cứu tuyến trên ảnh 2

Một kiểu cấp cứu bằng đá đấm, giẫm đạp có một không hai. (Ảnh cắt từ clip)

Hầu hết bình luận đều cho rằng đây là một kiểu hô hấp nhân tạo kém hiểu biết và có thể giết chết nạn nhân.

Sau khi xem clip trên do PV gửi, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, khẳng định cách cấp cứu này rất nguy hiểm. Việc dùng chân đá, tay đánh và nhảy lên ngực nạn nhân có thể làm gãy xương, xương chọc thủng màng phổi, tim. Nặng nữa là dập phổi, vỡ tim và gây tử vong.

Theo TS-BS Phú, trường hợp nạn nhân ngưng thở, thiếu không khí nhưng không được cung cấp ôxy thì tình trạng sẽ nặng hơn. Do vậy trong trường hợp trên phải đặt bệnh nhân nơi thoáng, nới rộng quần áo, lấy vật cứng kê đầu nạn nhân ngửa ra sau, xem trong miệng có dị vật gì không và tiến hành hô hấp nhân tạo. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến một cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sơ cứu, không nhất thiết phải đưa đến BV ở quá xa.

___________________________________

Tại TP.HCM, tất cả cuộc gọi cấp cứu 115 đều đổ về trung tâm điều hành, sau đó các cuộc gọi sẽ được điều phối đến các trung tâm 115 tại BV Đa khoa Sài Gòn, tại BV Đa khoa Bình Tân. Sắp tới TP cũng sẽ triển khai các trung tâm 115 tại quận 7, Hóc Môn, Thủ Đức.

Nhu cầu cấp cứu ngoại viện của bệnh nhân ở TP rất cao nhưng đa phần người dân đi bằng phương tiện tự túc. Hiện mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhận 25-30 cuộc gọi và số bệnh nhân thật sự được cấp cứu là khoảng 25 bệnh nhân. Tuy nhiên, việc cấp cứu từ hiện trường, đưa bệnh nhân đến BV cũng còn nhiều vấn đề, nếu hiện trường gần BV và không phải giờ cao điểm thì chỉ mất 3-5 phút để đưa bệnh nhân nhập viện. Có những hiện trường ở xa, giờ cao điểm kẹt xe thì có khi mất nhiều hơn.

ThS-BS VÕ QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm