Để sự sống được tái sinh từ cái chết

(PLO)- “Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại”, câu nói đã trở thành lẽ sống của nhiều bạn trẻ sau khi quyết định hiến một phần cơ thể của mình cho y học sau khi qua đời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Năm 18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết đến việc hiến tạng. Lúc đó tôi thấy đây là một việc làm cao cả và bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ thực hiện nó. Người xưa hay quan niệm “người chết phải toàn thây” khiến nhiều người e ngại, chính tôi cũng thế” - Trương Thị Ngọc Bích (sinh viên năm ba Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ về những e ngại ban đầu khi mới tiếp cận những thông tin liên quan đến việc hiến tạng.

Anh Hà Lâm Khánh Linh (trái) luôn mong muốn lan tỏa những năng lượng tích cực cho xã hội về việc đăng ký hiến tạng còn bạn Trương Thị Ngọc Bích quan niệm rằng “cho đi là còn mãi”. Ảnh: NVCC

Anh Hà Lâm Khánh Linh (trái) luôn mong muốn lan tỏa những năng lượng tích cực cho xã hội về việc đăng ký hiến tạng còn bạn Trương Thị Ngọc Bích quan niệm rằng “cho đi là còn mãi”. Ảnh: NVCC

Người trẻ mong muốn hiến tạng

Tuy nhiên, theo Ngọc Bích, mãi đến sau này, khi thấy những ca ghép tạng thành công, cô nàng lại thấy đó là điều vô cùng lớn lao và tự đặt câu hỏi tại sao mình không góp sức vào đó.

Ngọc Bích nói: “Tôi nghĩ rằng sau khi tôi rời đi, những bộ phận trong cơ thể của tôi lại có thể sống tiếp một cuộc đời mới, cứu sống một mạng người và có thể nhìn đời thêm lần nữa”.

Với Ngọc Bích, để đi đến quyết định hiến tạng không phải là một phút giây bồng bột mà là cả một quá trình dài đấu tranh tâm lý, tìm hiểu kỹ lưỡng. Điều mà cô nàng lo ngại nhất là hoạt động hiến tạng ở nơi mình sinh sống vẫn chưa phổ biến và mọi người đang có cái nhìn e ngại về vấn đề này. “Một số người cho rằng khi đã ra đi thì không nên đau đớn thêm nữa. Và lỡ như người thân xung quanh không chấp nhận điều này, có lẽ tôi sẽ không có cơ hội để sống thêm lần nữa trên thân xác người khác” - Ngọc Bích nói.

Thể xác là vật chất, khi chúng ta mất đi cũng chẳng thể mang theo, thôi thì ta hiến tặng cho y học để những người cần còn có thể dùng được.

Rất may mắn, sau khi trao đổi với gia đình về quyết định của mình, cha mẹ hoàn toàn đồng ý với hành động này của cô nàng. Ngọc Bích tâm sự: “Cha mẹ tỏ ra khá bất ngờ nhưng vẫn vui vẻ ủng hộ, họ bảo rằng “cuộc sống là của bản thân con nên cha mẹ hoàn toàn tôn trọng quyết định của con”. Họ mong rằng tôi có thể giúp được nhiều người và người thân cũng có thể nhìn thấy tôi đang sống thêm lần nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số thành viên khác trong gia đình không đồng tình việc này. Tôi đã mất hơn một tháng để giải thích với mọi người về sự giúp ích cho cộng đồng khi đăng ký hiến tạng. Cho họ xem những tin tức về việc hiến ghép tạng thành công. Dần dần mọi suy nghĩ e ngại về việc hiến tạng, hiến xác cũng trở nên cởi mở và được đón nhận tích cực hơn”.

46.000

là số người đã đăng ký hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời hay chết não, theo thống kê của Bộ Y tế.

Đến hết ngày 31-12-2021, tại Việt Nam đã thực hiện 6.286 ca ghép mô, tạng. Trong đó, thực hiện ghép nhiều nhất là ghép thận với 5.874 ca (hơn 93%), tiếp đó là ghép gan với 343 ca (hơn 5%), ghép tim 55 ca…

Hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện

Còn với anh Hà Lâm Khánh Linh (28 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM), phải mất hơn một năm đắn đo anh mới đưa ra quyết định đăng ký hiến tạng. “Bởi các lý do rất thường tình chưa giải đáp được, những vướng bận và rất nhiều câu hỏi trong đầu” - anh Linh nói.

Theo anh Linh, quan điểm của người Á Đông cứ hễ việc gì liên quan đến chết chóc, qua đời là cực kỳ sợ hay hạn chế tối đa việc nhắc tới nó. Do đó, phần lớn những người dù rất muốn đăng ký hiến mô, hiến tạng nhân đạo nhưng suy nghĩ không loại bỏ được tiêu cực thì không thể thực hiện được, bản thân anh đến bây giờ mới hoàn toàn thoải mái về tâm lý để làm điều này.

“Thông thường chúng ta không bao giờ chủ động nói về những chuyện xui rủi, có lẽ vì vậy mà việc đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời chưa được phổ biến ở Việt Nam. Vì ai cũng muốn sống thật lâu, chẳng ai muốn chết cả, vậy nên chẳng ai muốn nghĩ đến nó, đây cũng là rào cản lớn nhất.

Chắc chắn là mỗi người đều yêu quý bản thân của chính mình, trân trọng từng phút giây được sống, chuyện xui rủi không ai muốn nhưng chẳng may nó đến, ít nhất mình vẫn mang lại giá trị gì đó cho xã hội. Thể xác là vật chất, khi chúng ta mất đi cũng chẳng thể mang theo, thôi thì ta hiến tặng cho y học để những người cần còn có thể dùng được” - anh Linh tâm sự.

Và với riêng anh, đây còn là lý tưởng nữa. Bản thân anh cũng may mắn khi nhận được sự đồng cảm từ gia đình, kể cả vợ anh. Thậm chí anh của anh Linh cũng đã đăng ký, điều này đã trở thành động lực để anh loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, giúp mình thực hiện điều mà bản thân đã quyết tâm thực hiện.

“Tôi muốn mang đến những điều tốt đẹp, sự chia sẻ và đồng cảm, kể cả khi mất, tôi vẫn mong mình đã sống một cuộc đời đáng sống, như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

Nếu là con chim, chiếc lá,

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”.•

Lời tiễn biệt xúc động với chàng trai 19 tuổi hiến tạng

“Ý nguyện của gia đình muốn giữ lại một phần còn sống trong cơ thể em giúp cho đời, giúp cho bệnh nhân đang cần phải ghép tạng. Các bác, các cô, các chú sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật này. Xin cám ơn em, xin tri ân gia đình rất nhiều. Xin chào em, phút mặc niệm cho em bắt đầu” - dưới ánh đèn của phòng phẫu thuật, TS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó Khoa gan mật tụy BV Chợ Rẫy, run run nói lời từ biệt chàng trai 19 tuổi chết não, trước khi phẫu thuật lấy tạng vào ngày 6-5 vừa qua.

Chàng trai này trước đó gặp tai nạn giao thông, chấn thương não không thể phục hồi, thở máy, hôn mê sâu, điều trị tại BV Nhân dân Gia Định. Khi bác sĩ tiên lượng bệnh nhân không thể qua khỏi, cha mẹ em bày tỏ ý nguyện hiến tạng của con. Gia đình quyết định hiến hai quả thận, lá gan và trái tim của con để ghép cho người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm