Du lịch Hậu Giang còn phụ thuộc nhiều vào các sự kiện lớn của tỉnh

(PLO)- Tính riêng ba tháng đầu năm 2023, Hậu Giang đón hơn 127.400 lượt khách tham quan du lịch, trong đó, có khoảng 6.500 lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 58,5 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-3, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp sơ kết hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2022 và ba tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi, khởi sắc sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Thống kê trong năm 2022, Hậu Giang đón khoảng 390.000 lượt khách tham quan du lịch, tăng 166% so với cùng kỳ, đạt 111% so kế hoạch.

Đầu năm 2022, tàu du lịch Xà No được đưa vào khai thác, đây là một trong hai sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Đầu năm 2022, tàu du lịch Xà No được đưa vào khai thác, đây là một trong hai sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Tính đến cuối năm 2022, Hậu Giang có 175 sản phẩm OCOP được công nhận.

Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 127.400 lượt khách tham quan du lịch, trong đó, có khoảng 6.500 lượt khách quốc tế, 120.820 lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 58,5 tỉ đồng. Riêng dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng so với tết Nhâm Dần 2022 năm trước, tổng thu từ du lịch đạt 18,5 tỉ đồng.

Theo Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã hoàn thành một số dự án du lịch góp phần làm phong phú thêm sản phẩm, đáp ứng được xu hướng du lịch trải nghiệm, lưu trú tại nhà dân để tìm hiểu nét văn hóa bản địa của du khách. Đó là: tổ hợp khách sạn Sojo, tàu du lịch Xà No, homestay Mương Đình, homestay Miệt Vườn, khu du lịch Ngã Bảy sông... Ngoài ra, Hậu Giang cũng đã tổ chức thành công các sự kiện lớn góp phần thúc đầy sự phục hồi ngành du lịch địa phương.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang cũng đã chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, dù du lịch Hậu Giang đang từng bước khởi sắc hơn so với những tháng cuối năm 2021 nhưng vẫn còn chậm, thiếu bền vững và còn phụ thuộc nhiều vào các sự kiện lớn của tỉnh. Cạnh đó, một số dự án trọng điểm triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch.

Một vấn đề nữa là đa số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có quy mô vừa và nhỏ, chưa chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, tạo ra các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.

Từ thực trạng trên, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đề ra một số nhiệm vụ cần tập trung trong chín tháng cuối năm. Theo đó, phê duyệt và triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang năm 2023.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn hóa tài nguyên truyền thông thuộc đề án theo cẩm nang hướng sử dụng đã được phát hành.

Hậu Giang đặt mục tiêu năm 2023 thu hút 500.000 lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch đạt 215 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm