Gia đình 17 người: ‘Ăn ở đàng hoàng như người ta’

Hơn 8 giờ sáng 23-3, ba đứa cháu trai của bà Trần Thị Dung (sống trong gia đình được báoPháp Luật TP.HCMphản ánh trong bài viết “Gia đình 17 người nghèo xơ xác bên dòng kênh đen” ngày 11-3-2017) vẫn nằm ngủ mê mệt trên chiếc giường cáu bẩn. Đêm trước đó chúng đã thức rất khuya để mở cột, dỡ tôn, sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị sáng hôm sau về nhà mới.

Tắm “đã”, ngủ ngon

Trong khi đó, bà Dung và bầy trẻ nhỏ lít nhít đã dậy từ sớm, chuẩn bị chuyển đồ. Bọn trẻ bới trong đống rác và giẻ lau để tìm hết các món đồ chơi cũ dù chiều 22-3 chúng đã được tặng nhiều đồ chơi mới. Rồi bà Dung quảy giỏ xách, theo sau là những đứa trẻ tung tăng tay ôm đồ chơi, tay xách giỏ đi bộ hai cây số đến nhà trọ mới trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8…

Mút-ka-tây (12 tuổi) ngủ ở nhà mới được một đêm, cứ lăn qua lăn lại trên nền gạch bông đùa giỡn với những anh chị họ cách nhau vài tuổi. Khác với những lần trước vào thăm, lần này Mút-ka-tây và các anh chị em đã có quần áo sạch sẽ để mặc. Mút-ka-tây nói: “Về đây tắm rất đã, nước mát và ngọt lắm. Nhưng bà ngoại cứ la tắm ít thôi, mất công đóng tiền nước”. Bà Trần Thị Dung xác nhận: “Tụi nó cứ nói nước đây ngọt quá, khoái tắm cho mát, mấy đứa nhỏ cứ mở vòi cho chảy ào ào, tôi phải canh miết”.

Cũng vì bận rộn chuyển nhà nên bà Dung nấu cơm muộn cho bọn trẻ. Những ngày qua, nhờ có gạo nhiều người đem đến mà bọn trẻ được ăn no và ăn ngon. Thức ăn là chao và cá khô. “Cá khô này ăn với cơm trắng ngon lắm” - bà Dung nói.

Những đứa trẻ rất hạnh phúc vì được tắm nước sạch, sinh hoạt trên nền gạch bông sạch sẽ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Gia đình bà Dung rời căn nhà cũ bên dòng kênh đen để đến nơi ở mới. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tấm lòng của những người dưng

Trong sáng 23-3, nhiều hàng xóm đã rất vui mừng khi thấy bà Dung dắt díu bọn trẻ rời căn nhà ngay sát dòng kênh đen. Họ hỏi han, động viên bà Dung. Có người chạy qua phụ giúp một tay. Anh Trương Bảo Toàn, một người hàng xóm, đã qua giúp gia đình bà Dung chuyển đồ đạc: “Tôi đi làm bảo vệ, nay xin nghỉ để giúp dì Dung. Thấy mấy đứa nhỏ được ăn ở đàng hoàng như người ta cũng mừng. Chớ trước giờ tụi nó tắm kênh nước bẩn, ở tạm bợ vầy tội quá”.

Sáng 23-3, gia đình bà Dung đón một độc giả của báo đến thăm, đó là mẹ con chị Lê Thị Minh Thùy. Chị Thùy sống tại Tây Ninh. Chị lên TP.HCM để đón cha mẹ từ ngoài Bắc vào thăm. Mẹ chị cho biết khi nghe hoàn cảnh của bà Dung, bà muốn đến thăm trước khi về nhà con gái dù đã khá mệt. Chị Minh Thùy đã mua gạo, cá khô, nước tương, chao, chở vào cho gia đình. Mẹ chị đã gửi cho bà Dung một số tiền đủ để mua thức ăn trong nhiều ngày.

Chị nói: “Tôi đã sắp xếp công việc, cố gắng đến thăm vì gia đình này đặc biệt quá. Tôi cũng đã sắp sẵn quần áo cho các cháu nhưng vội quá lại quên, lần sau tôi sẽ gửi quần áo lên”.

Những ngày qua, nhiều độc giả cũng đã liên hệ với báo để được hướng dẫn đến tận nhà thăm. Một độc giả tận Tiền Giang đã chạy đến tận nơi, chở gạo tới, bày tỏ: “Tôi đọc tới đoạn mấy đứa nhỏ đi ngủ mà không được ăn tối, tôi phải chạy lên liền. Tôi nói với nhà máy chà gạo, họ nói sẽ bán rẻ gạo ngon cho tôi. Nhưng mà tôi không đi ké được xe tải nên chạy xe máy tới đây rồi mới mua gạo”.

Có vài người nhờ xe ôm chở gạo, quần áo cũ vào cho các cháu nhưng không cho ai biết mình là ai. Có những bà mẹ, chị gái đến thăm bầy trẻ với đồ chơi và thức ăn. Trong đó có những món đồ chơi khá mắc tiền. Rồi họ lặng lẽ đi về, không hề giới thiệu tên tuổi.

Chiều 22-3, đại diện chính quyền xã Bình Hưng cũng đến thăm và hỗ trợ gia đình bà 50 kg gạo. Bà Dung bày tỏ: “Mấy nay xã có quan tâm, chở nước sạch vô cho, rồi nói sẽ làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ đi học. Tôi vui lắm! Nhưng xã có nói đưa mấy đứa nhỏ vô trung tâm bảo trợ, tôi không chịu”.

Gia đình 17 người: ‘Ăn ở đàng hoàng như người ta’ ảnh 3
Mẹ của chị Minh Thùy tặng quà cho bà Dung. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, ông Phạm Nhật Trường, Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện đã chỉ đạo xác minh lý lịch các em nhỏ trong đại gia đình này để có hướng gỡ vướng về thủ tục và làm giấy khai sinh cho các em. Nếu các em còn người thân, chính quyền sẽ động viên gia đình đón các em về. Nếu các em mồ côi, chỉ còn bà Dung (có cháu gọi là dì, có cháu gọi là bà ngoại họ) thì huyện sẽ đưa các em vào trung tâm bảo trợ xã hội để các em được đi học. Tuy nhiên, gia đình bà Dung không chấp nhận dù đây là phương án tốt nhất cho tương lai các em. Đến nay các em vẫn chưa được đi học, rất ít cơ hội tiếp xúc hòa nhập xã hội. Các hội, đoàn thể xã còn phải tiếp tục vận động bà Dung và gia đình hiểu điều này.

Nỗi lo tiền thuê trọ

Bà Dung nói: “Chỗ nhà trọ mới là 3,5 triệu đồng/tháng. Xã cho tiền thuê tháng này rồi. Tháng sau không biết sao đây. Nhưng mà mấy đứa con cháu tui nó nói sẽ cố gắng kiếm tiền để nhà mình có chỗ ăn, chỗ tắm như người ta. Gạo cũng đủ ăn tháng này, tháng sau. Tới đâu hay tới đó nhưng mà bữa nay được vậy tui vui lắm!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm