Mỹ - Ấn Độ ký thỏa thuận tham vọng để vượt mặt Trung Quốc

(PLO)- Mỹ và Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác trên loạt lĩnh vực công nghệ quan trọng nhằm hạn chế hơn nữa ưu thế của Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 31-1, tại Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval họp với các quan chức cấp cao hai nước khởi động “Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về công nghệ quan trọng và mới nổi”. Hai bên đồng ý mở rộng hợp tác phát triển khí tài thế hệ mới, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao khác, theo tờ The New York Times.

Một số nội dung hợp tác đáng chú ý gồm hợp tác giữa các cơ quan khoa học quốc gia Mỹ - Ấn Độ trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ không dây thế hệ mới.

Hai bên cũng sẽ làm việc tạo thuận lợi xây dựng mạng di động tiên tiến ở Ấn Độ, hợp tác trong sản xuất chất bán dẫn, nỗ lực giúp Ấn Độ tăng cường nghiên cứu và sản xuất chip để bổ sung cho nhu cầu ở Mỹ.

Hai nước cam kết tăng tốc cùng phát triển, sản xuất công nghệ quốc phòng như động cơ phản lực, hệ thống pháo binh và xe bộ binh bọc thép. Mỹ cho biết sẽ nhanh chóng xem xét đề xuất mới của Tập đoàn General Electric về việc sản xuất động cơ phản lực với Ấn Độ. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Mỹ siết chặt quan hệ với các đồng minh châu Á và tìm cách giảm ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) trên các lĩnh vực công nghệ cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở tỉnh Bali (Indonesia) hồi tháng 11-2022. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở tỉnh Bali (Indonesia) hồi tháng 11-2022. Ảnh: REUTERS

Cột mốc quan trọng trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Ông Sullivan chia sẻ thỏa thuận nói trên sẽ trở thành “cột mốc quan trọng tiếp theo” trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ, sau thỏa thuận năm 2016 về hợp tác năng lượng hạt nhân. Ông mô tả nỗ lực này là “một phần cơ bản lớn của chiến lược tổng thể nhằm đưa toàn bộ đồng minh của phương Tây ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào thế thượng phong”.

Nhiều quan chức Mỹ thời gian qua liên tục bày tỏ sự lo ngại về việc nước phụ thuộc nhiều vào TQ về chất bán dẫn, linh kiện viễn thông và các hàng hóa quan trọng khác.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ công bố quy định mới về hạn chế xuất khẩu một số loại chip sử dụng trong lĩnh vực máy tính lượng tử và siết chặt các quy định về bán thiết bị bán dẫn. Đây là các động thái nhằm ngăn chặn khả năng TQ tiếp cận các công nghệ về vật liệu bán dẫn mà Mỹ sở hữu, kìm hãm đà tăng trưởng của TQ trong lĩnh vực đóng vai trò then chốt này.

Tuy nhiên, một điều giới quan sát đang chờ xem là liệu với thỏa thuận mới với Ấn Độ, Mỹ có hiện thực hóa các kế hoạch hỗ trợ chuyển hoạt động sản xuất một số lĩnh vực quan trọng từ TQ sang các quốc gia thân thiện hơn hay không. Nhiều công ty gặp khó khăn vì không tìm được đủ không gian nhà máy và công nhân lành nghề để chuyển đổi hiệu quả chuỗi cung ứng ra khỏi TQ. Ấn Độ có lực lượng lao động tay nghề cao và chính phủ muốn thu hút thêm đầu tư quốc tế nhưng các công ty đa quốc gia vẫn đang phàn nàn về các quy định rườm rà, cơ sở hạ tầng không đầy đủ và nhiều rào cản khác.

Về vấn đề này, ông Sullivan cho biết cả ông Biden và ông Modi đang cùng hợp tác thúc đẩy xây dựng các cơ sở công nghiệp và đổi mới dây chuyền sản xuất hai bên. Yếu tố pháp lý cũng sẽ được cải cách với kỳ vọng sẽ bỏ được nhiều rào cản pháp lý và thị thực tạo điều kiện cho nhân tài Ấn Độ sang làm việc tại Mỹ. Ấn Độ sẽ cải cách hệ thống cấp phép và thuế để thu hút thêm nhiều công ty sản xuất nước ngoài. Ngoài ra, ông Sullivan cho biết Mỹ đang cân nhắc nới lỏng quy định chuyển giao công nghệ quân sự cho các đối tác để tạo điều kiện hợp tác với Ấn Độ sản xuất động cơ phản lực và các loại vũ khí khác.

Đây thực sự là một vụ cá cược chiến lược giữa hai chính quyền rằng việc tạo ra một hệ sinh thái sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của hai bên.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ JAKE SULLIVAN

Cần nỗ lực lớn từ hai phía

Ấn Độ từ lâu được biết đến như một đối tác khó tính trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Trong các cuộc đàm phán mà chính quyền ông Biden đang tiến hành ở châu Á về cơ chế mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Ấn Độ đã chọn không tham gia phần hợp tác thương mại, dù vẫn tiếp tục đàm phán trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn lao động.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ thường xuyên mua thiết bị quân sự của Nga và có quan hệ chặt chẽ với Nga cũng tạo ra một khó khăn khác cho quan hệ đối tác với Mỹ.

Dù vậy, quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng sự hợp tác có thể đẩy nhanh việc Ấn Độ rời xa Nga hơn vì hợp tác với Mỹ có lợi hơn hẳn. Bên cạnh đó, theo nhiều nhà phân tích, chính phủ Ấn Độ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an ninh quốc gia và đặc biệt bị thu hút từ triển vọng hợp tác với Mỹ để phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.

Ông Richard M. Rossow, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), đánh giá rằng “cả hai nước đều có một điểm chung là nỗi lo ngại rằng TQ sẽ chiếm ưu thế trên tất cả lĩnh vực, trừ khi họ chủ động hợp tác trước”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lưu ý rằng quan hệ đối tác công nghệ sẽ không chỉ xoay quanh hoạt động chung giữa quan chức chính quyền mà còn giữa khu vực tư nhân của hai quốc gia và thỏa thuận hợp tác có thể đi được tới đâu phụ thuộc phần lớn vào các công ty như vậy.

Chuyên gia Tanvi Madan thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng việc quan chức hai nước gặp gỡ đại diện công ty, tập đoàn hôm 29-1 là một bước đi tốt, có khả năng đưa quan hệ Mỹ - Ấn Độ lên một tầm cao mới. Theo bà, “nhiều quyết định có hợp tác hay không sẽ được đưa ra trong khu vực tư nhân và các công ty sẽ đánh giá thực trạng kinh doanh nhiều như thực trạng chiến lược quốc gia, nếu không muốn nói là nhiều hơn”.•

Mỹ - Ấn Độ đạt cam kết về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Cùng ngày 31-1 diễn ra một cuộc hội đàm khác tại thủ đô New Delhi giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vinay Mohan Kwatra và người đồng cấp Mỹ Victoria Nuland. Hai bên đã thảo luận về những diễn biến khu vực ở Nam Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tờ The Indian Express cho hay.

Hai quan chức tái khẳng định cam kết về một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm” với mục tiêu đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai thứ trưởng đã điểm lại những tiến triển đạt được trong tiến trình củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Mỹ - Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm