Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong lòng người ở lại

11 giờ trưa, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được an táng tại quê nhà Củ Chi.

Trước đó, chưa tới 6 giờ sáng 22-3, người dân đã tập trung tại khu vực công viên 30-4 xung quanh Hội trường Thống Nhất (quận 1) để tiễn đưa linh cữu Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Sáng sớm nay, lễ truy điệu nguyên thủ tướng Phan Văn Khải đã được tiến hành lúc 7 giờ 30 tại Hội trường Thống Nhất. . ẢNH: THANH TUYỀN.

Dòng người đứng lặm im khi nghe hiệu lệnh bên trong Hội trường Thống Nhất tiến hành lễ truy điệu. ÀNH: THANH TUYỀN.

"Nguyên thủ tướng là người ơn"...

Bà Trần Thị Thảo (65 tuổi), sống ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết đã đến viếng nguyên thủ tướng hai lần ở hội trường Thống Nhất, hôm nay bà đến tiễn ông lần cuối.

Bà Thảo kể có câu chuyện khó quên trong cuộc đời khi nhờ chủ trương xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi cái đói, cái dốt của nguyên thủ tướng mà cả gia đình bà đã thoát cơn bĩ cực. Vì thế, nguyên thủ tướng Phan Văn Khải không khác gì “người ơn” của bà.

Đó là năm 2005, bà nghỉ công tác vận động ban hồi hương kinh tế, chồng bà nghỉ hưu trước đó. Hai vợ chồng vì cuộc sống khó khăn và lo cho hai con đang ăn học cấp 3 nên lãnh lương hưu một lần để trang trải cuộc sống.

Vì thế, khi không còn lương hưu, cả gia đình khốn đốn. May nhờ chủ trương xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân vay vốn, bà đã được ngân hàng chính sách cho vay 20 triệu đồng để làm kinh tế.

Đối với bà Trần Thị Thảo (áo đen), nguyên Thủ tướng không khác gì "người ơn"... ẢNH: HOÀNG LAN.

Với số tiền đó, bà đã mua máy móc sản xuất se nhang tại gia. Từ đó có của ăn của để, các con bà nay đã ăn học thành tài, bà sống an lạc tuổi già và vẫn còn giữ nghề đã nuôi sống cả gia đình đến nay.

Không chỉ riêng hộ gia đình bà mà cả phường cũng được quan tâm giúp phát triển kinh tế để giờ đây cả phường thoát nghèo.

Từng là thuộc cấp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi làm nhân viên Tổng công ty Xuất nhập khẩu TP.HCM những năm 1990, bà Nguyễn Thị Cẩm nhớ mãi những lời dặn dò của ông lúc còn là Chủ tịch UBND TP.HCM: “Là nhân viên ngành xuất nhập khẩu, các cháu phải học, học nữa học mãi, dù chú là lãnh đạo nhưng chú cũng phải không ngừng học để vận dụng kiến thức tiếp thu đưa đất nước tiến bộ đi lên”.

Giờ đây, khi về hưu, bà Cẩm làm trưởng khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão. Dù đã ngoài 60 tuổi, nhớ lời nguyên Thủ tướng dặn dò, hằng tuần bà vẫn đều đặn đi thư viện, theo dõi tivi, sách báo để trau dồi kiến thức phục vụ người dân cho tốt hơn.

Bà Chữ Thị Loan 71 (quê ở Phú Thọ, nguyên là cán bộ quân đội từng 3 lần gặp nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) vợt 2000km vào viếng ông. Ảnh: HOÀNG GIANG. 

Thời còn công tác ở Tổng cục Chính trị quân đội, ông Hoàng Dư Khương (71 tuổi), sống ở phường Bến Nghé (quận 1) có cơ hội cùng đi công tác cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lần.

Ông Khương ấn tượng nguyên Thủ tướng rất gần gũi tình cảm với người dân, lắng nghe góp ý chân thành của người dân. “Vì thế, những năm 1999-2002, đồng bằng Sông Cửu Long thường xuyên lũ lụt lớn, nước ngập mênh mông, sông cũng như biển gây thiệt hại lớn về người và của, nguyên Thủ tướng đã lặn lội theo ghe đi thực tế nhiều lần điều kiện sinh sống của các hộ dân

Sau nhiều đêm trăn trở, nguyên Thủ tướng đã có quyết sách xây dựng các khu tái định cư, nhà cao chân chống lụt cho bà con Nam Bộ, đặc biệt là khu Đồng Tháp Mười, giúp người dân an tâm sinh sống” -  ông Khương nhớ lại..

Ông Khương kể về ông Sáu Khải ... ẢNH: THANH TUYỀN.

Lặng lẽ theo dõi lễ truy điệu vị nguyên thủ tướng, ông Mai Đăng Cảnh (63 tuổi, sống ở phường Tân Định) bày tỏ: “Tôi đã từng chứng kiến thời đất nước đi vào khủng hoảng chậm đổi mới, cuộc sống vất vả, thiếu thốn, nhờ sự đóng góp của nguyên Thủ tướng mà nay chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội đều cải thiện. Không riêng gì tôi mà nhân dân đều biết ơn và nhớ đến ông. Ông mất đi, tôi cảm giác như mất đi một người anh, người chú”.  

“Tôi sẽ đi xe buýt lên Củ Chi thăm ổng chặng cuối...”

Cụ ông Lê Văn Thuận (nhà ở quận Tân Bình) bắt xe buýt đến trước Dinh Độc Lập từ 7 giờ sáng.

Lom khom vịn vào hàng cây bên đường để di chuyển đến gần cổng Hội trường Thống Nhất, vừa ngồi xuống trên một thanh sắt, ông Thuận ứa nước mắt: “Ông Khải ổng bình dị lắm. Không có ai làm thủ tướng mà gần gụi như ổng đâu. Lúc nào gặp cũng tay bắt mặt mừng”.

Ông Thuận ứa nước mắt khi nhớ về ông Sáu Khải. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ông Thuận là bạn của ông Sáu Khải trong thời kì tập kết ra miền Bắc. Trước đây, ông Thuận làm trong Bộ tài nguyên, còn ông Sáu khải thì đương nhiệm chức thủ tướng. “Thủ tướng gì mà gặp tui là tới chào hỏi. Tui đâu có nghĩ là ổng nhớ tên với mặt tui đâu, vậy mà ông nhớ thiệt đó. Ổng hỏi tui chớ nay làm gì rồi, gia đình ra sao”, ông Thuận nhắc lại.

Đó là lần gặp ở Liên Xô, ngay trước tượng đài Lê Nin. “Tui qua đó học, đến đó thăm thì ai ngờ đâu gặp ổng. Vui quá chừng. Ổng hỏi han nhiều lắm, còn giỡn là nay nhìn ngon lành quá, đi đâu mà qua tới bên này. Thương ổng lắm”, ông Thuận kể về ký ức mà ông còn nhớ về vị thủ tướng đáng kính.

Sau này, gia đình ông Thuận vẫn thường hay qua lại để thăm gia đình ông Sáu Khải. Đặc biệt, người vợ đã mất của ông Thuận rất thân thiết với thím Sáu Khải (vợ của ông Sáu Khải). “Cứ có thời gian là bả lại đòi qua nhà thím Sáu. Hai vợ chồng tui có hay lên đó thăm vợ chồng ổng. Vợ tui mê hai vợ chồng ổng lắm. Lần nào đi về cũng kể hết chuyện này đến chuyện kia cho tui nghe về ông Sáu. Có hôm tui hỏi chớ: Sao, hôm nay có chuyện gì kể tui nghe không. Bả cười cười bảo ông Khải ông dễ gần lắm, ổng là thủ tướng mà không coi khinh ai, ai ông cũng thương cả”, ông Thuận quẹt vội giọt nước mắt.

“Tui nói cho nghe, ổng là thủ tướng mà chả bao giờ la hét ai tiếng nặng cả. Hiền lắm”, ông Thuận nói thêm.

Tờ giấy ghi thời gian, địa chỉ nhà ông Sáu Khải mà ông Thuận giữ chặt trong cái túi xách theo. "Nay tui hay quên, không khéo quên mất phải đi thăm ổng", ông Thuận nói. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ông Thuận cho biết, sau khi xong lễ truy điệu tại Dinh Độc Lập, ông sẽ đón xe buýt lên tận Củ Chi để nhìn người bạn của mình lần cuối. Trong cái bọc ông mang theo bên mình có tờ giấy ghi địa chỉ nhà của ông Sáu Khải. “Tui già rồi, hay quên lắm. Tui ghi lại đây cho chắc để biết đường mà đi, có gì hỏi người ta. Tui đến nhà xem ổng lần cuối rồi về mới an tâm”, ông Thuận nói.

 

“Con đi tiễn ông Sáu Khải về trời làm ông tiên...”

Từ sáng sớm nay, Minh Quân (5 tuổi, hiện đang học tại một trường mầm non ở TP.HCM) đã cùng mẹ chuẩn bị từ sớm để đến trước Dinh Độc lập chờ để tiễn đưa linh cữu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về với đất mẹ. Hết đứng lên rồi ngồi xuống, Minh Quân lại quay ra hỏi mẹ: “Chừng nào ông Sáu Khải mới ra hả mẹ?”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong lòng người ở lại ảnh 8
Minh Quân ngồi bệt xuống đất chờ đưa linh cữu của nguyên thủ tướng Phan Văn khải về với đất mẹ Củ Chi. ẢNH: THANH TUYỀN.

Mẹ của Minh Quân chia sẻ chị gái của Quân được đi cùng đoàn học sinh tiêu biểu để đến tiễn ông Sáu Khải. Thấy chị được đi, sáng nay Quân xin mẹ cho đến tiễn như chị rồi sau đó đến trường.

“Nó cứ bảo là mẹ cho con đi đi. Con đi tiễn ông Sáu Khải về trời làm ông tiên rồi mẹ chở con đến trường”, mẹ của Quân kể.

Đi tiễn ông Sáu Khải, nhưng Quân hồn nhiên: “Con chỉ biết ông Sáu Khải hiền như ông bụt, mẹ bảo ông làm được nhiều việc cho người dân. Mà người tốt thì về trời sẽ được làm ông Tiên”.

Quân đứng chờ cùng mẹ cho đến khi đoàn xe đưa linh cữu của ông Sái Khải đi khuất rồi mới lấy xe chạy đến trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm