Nhiều tiền lệ phá đập trong các cuộc chiến trước đây

(PLO)- Chuyện phá đập thủy điện đã có nhiều tiền lệ trong các cuộc chiến trước đây, và có thể bị coi là tội ác chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-6, cả Nga và Ukraine đều thông báo về việc vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka (TP Nova Kakhovka) được xây dựng từ thời Liên Xô tại khu vực mà Moscow đang kiểm soát ở tỉnh Kherson (miền nam Ukraine), theo hãng tin Reuters.

Việc một đập thủy điện lớn bị vỡ đã khiến nhiều người trong khu vực chiến sự phải sơ tán và đe dọa an toàn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia, cũng nằm dưới sự kiểm soát của Nga).

Từ vụ việc này nhìn lại các tiền lệ phá đập trong các cuộc chiến trước đây.

Nhiều tiền lệ - có thể bị coi là tội ác chiến tranh

Lịch sử đương đại đưa ra nhiều ví dụ về việc phá hủy các con đập và lũ lụt ở châu Âu vì mục đích phòng thủ và tấn công.

Năm 1941, Liên Xô cho nổ một con đập khổng lồ ở tỉnh Zaporizhia của Ukraine để làm chậm bước tiến của quân Đức.

Vào tháng 5-1943, Không quân Hoàng gia Anh ném bom các đập của Đức ở thung lũng Ruhr - trung tâm công nghiệp của đất nước. Chiến dịch này đã phá hủy 2 trong số 3 con đập và làm hư hại con đập thứ 3. Sự kiện này sau đó đã được đưa vào bộ phim "The Dam Busters" ra mắt năm 1955.

Chiến thuật gây lũ lụt cũng được thực hiện trong Thế chiến thứ nhất. Vào mùa thu năm 1914, trong trận Yser, các lực lượng Pháp và Bỉ đã xả lũ để làm chậm bước tiến của quân Đức đang cố gắng vượt sông Yser về phía Dunkirk - địa điểm diễn ra chiến dịch sơ tán quy mô lớn của lực lượng viễn chinh Anh và phe đồng minh.

Toàn cảnh đập Nova Kakhovka sau khi bị vỡ ngày 6-6. Ảnh: REUTERS

Toàn cảnh đập Nova Kakhovka sau khi bị vỡ ngày 6-6. Ảnh: REUTERS

Theo Nghị định thư bổ sung của Công ước Geneva năm 1949, việc phá hủy các con đập, có khả năng gây tổn hại đáng kể cho dân thường, bị coi là tội ác chiến tranh.

“Đập, đê điều và trạm phát điện hạt nhân không được coi là mục tiêu tấn công, ngay cả khi chúng là mục tiêu quân sự, nếu cuộc tấn công đó có thể giải phóng các lực lượng nguy hiểm và gây ra tổn thất nghiêm trọng cho dân thường” - theo Điều khoản 56.

Chưa rõ thủ phạm phá đập Nova Kakhovka

Hiện cả Nga và Ukraine đều đang cáo buộc lẫn nhau là bên tấn công gây vỡ đập Nova Kakhovka.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 6-6 cho rằng các lực lượng Ukraine đã phá hoại đập Nova Kakhovka vào đêm 5-6 để cắt nguồn cung nước ngọt cho 2 triệu dân trên bán đảo Crimea (Nga tuyên bố sáp nhập từ Ukraine năm 2014) và điều hướng dư luận khỏi nỗ lực phản công đang bị trì trệ của Kiev, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Theo ông Peskov, “sự phá hoại” này liên quan thực tế các lực lượng vũ trang Ukraine không đạt được mục tiêu trong các chiến dịch tấn công quy mô lớn 2 ngày trước. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đẩy lùi một số cuộc tấn công quy mô lớn ở khu vực phía nam Ukraine trong những ngày gần đây.

Ông Peskov cũng cho rằng việc phá hủy con đập sẽ làm giảm mực nước ở nhà máy điện hạt nhân Zaporichzhia (tỉnh Zaporizhia) và tạo điều kiện để Ukraine giành lại cơ sở này.

Phần Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 7-6 tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) để các cơ quan quốc tế điều tra, theo đài CNBC.

Mỹ cho biết nước này chưa thể xác định lực lượng nào gây ra vụ việc. Ông Martin Griffiths - Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo cho biết tổ chức sẽ sớm đưa ra đánh giá mức độ nghiêm trọng của thảm họa này trong vài ngày tới, theo hãng tin AFP.

Dù vậy, các chuyên gia quân sự phương Tây tin rằng khả năng Nga đứng sau vụ việc cao hơn là Ukraine.

Khi xét về yếu tố lợi ích để nhận định bên nào đứng sau cuộc tấn công, phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood lưu ý rằng quân Ukraine không có động cơ để làm điều này. Theo ông, vì đây là lãnh thổ của Ukraine và một cuốc tấn công mạo hiểm như như vậy sẽ đe dọa tính mạng hàng chục ngàn người dân nước này.

Một cư dân Kherson tại trạm xe bus trên con đường ngập nước sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ ngày 6-6. Ảnh: REUTERS
Một cư dân Kherson tại trạm xe bus trên con đường ngập nước sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ ngày 6-6. Ảnh: REUTERS

"Tôi không thấy bất cứ điều gì có lợi cho Ukraine trong trường hợp này. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy nhiều hơn, nhiều cơ sở sản xuất điện bị phá hủy hơn, người dân Ukraine chịu nhiều đau khổ hơn, các lựa chọn hậu cần và tấn công của Ukraine bị hạn chế" - ông Stephane Audrand, chuyên gia nghiên cứu độc lập người Pháp về các vấn đề quốc tế nhận định.

Kế hoạch phản công của Ukraine bị đe dọa

Theo giới chuyên gia, việc nước dâng cao đột ngột cũng sẽ cản trở nghiêm trọng nỗ lực phản công sắp tới của Kiev.

Các chuyên gia tin rằng vụ phá hoại là một nỗ lực của Nga nhằm gây tổn hại cho Ukraine và ngăn các lực lượng Kiev phản công để giành lại lãnh thổ phía đông. Chính quyền Kiev cũng có chung quan điểm và cáo buộc Nga đã "làm nổ tung" con đập nhằm "làm chậm" hoạt động của nó.

Nước dâng cao ở TP Kherson sẽ gây khó khăn rất lớn cho các lực lượng Ukraine trong việc thực hiện bất kỳ hoạt động tiến công nào nhằm giành lại phần tả ngạn của TP từ tay Nga.

Theo ông Sergey Radchenko - Giáo sư lịch sử tại Trường Nghiên cứu quốc tế Cấp cao thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), bằng cách gây lụt ở hạ lưu Nova Kakhovka, Nga đang gây khó và làm chậm tốc độ vượt sông của Ukraine, để Moscow có thêm thời gian để củng cố các mặt trận giao tranh khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm