Nóng Nga-Ukraine sáng 4-7: Quân Ukraine rút khỏi Lysychansk, Nga đã kiểm soát toàn bộ Luhansk

(PLO)- Ukraine rút quân khỏi Lysychansk, Nga chính thức kiểm soát toàn bộ Luhansk; Ukraine nói Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ một tàu chở hàng Nga; Ông Macron khẳng định "không chống Nga, không tiêu diệt Nga";...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ukraine rút quân khỏi Lysychansk, Nga chính thức kiểm soát toàn bộ Luhansk

. Hãng thông tấn Ukrinform ngày 3-7 dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết sau những đợt giao tranh ác liệt ở TP Lysychansk (tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine), quân đội Ukraine phải rút lui khỏi đây và bảo vệ biên giới.

“Trong điều kiện lực lượng Nga có ưu thế vượt trội về pháo binh, hàng không, pháo phản lực bắn loạt, đạn dược và nhân lực, việc tiếp tục bảo vệ TP sẽ dẫn đến hậu quả chết người” - theo Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân trú phòng Ukraine tiếp tục chiến đấu, nhưng “ý chí thép và lòng yêu nước là không đủ để thành công: Cần có nguồn lực vật chất và kỹ thuật”.

“Những người bảo vệ Luhansk và các vùng khác của Ukraine đã anh dũng thực hiện các nhiệm vụ dân sự và quân sự. Chúng tôi sẽ trở lại và nhất định sẽ giành chiến thắng” - Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Kiev không từ bỏ bất cứ điều gì, và họ sẽ giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của mình bằng các chiến thuật và vũ khí hiện đại, theo Ukrinform.

Một xe tăng bị phá hủy ở TP Severodonetsk (tỉnh Luhansk). Ảnh: REUTERS

Một xe tăng bị phá hủy ở TP Severodonetsk (tỉnh Luhansk). Ảnh: REUTERS

. Theo đài RT, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo những binh sĩ cuối cùng của Ukraine đã rút khỏi Luhansk.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ông Shoigu đã báo tin này cho Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Shoigu cho biết quân đội Nga và lực lượng Donbass đã hoàn toàn kiểm soát Lysychansk - TP lớn cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine ở vùng tỉnh Luhansk.

Ukraine nói Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ một tàu chở hàng Nga

Theo hãng tin Reuters ngày 4-7, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ - ông Vasyl Bodnar cho biết Cơ quan hải quan của Ankara đã tạm giữ một tàu chở hàng Nga đang chở ngũ cốc mà Kiev nói là bị đánh cắp.

Ukraine trước đó đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ tàu chở hàng Zhibek Zholy mang cờ Nga, theo Reuters.

"Chúng tôi có đầy đủ các hoạt động hợp tác. Con tàu hiện đang đứng ở lối vào cảng, nó đã bị cơ quan hải quan Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ" - Đại sứ Vasyl Bodnar cho biết trên kênh truyền hình quốc gia Ukraine.

Ông Bodnar cho biết số phận của con tàu sẽ được quyết định sau một cuộc họp của các nhà điều tra vào ngày 4-7, và Ukraine đang hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tịch thu số ngũ cốc này.

Kiev đã cáo buộc Nga đánh cắp ngũ cốc từ các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Điện Kremlin trước đó đã bác bỏ thông tin này.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng về thông tin trên.

Một tòa nhà bị phá hủy nghiêm trọng ở TP Severodonetsk (tỉnh Luhansk). Ảnh: REUTERS

Một tòa nhà bị phá hủy nghiêm trọng ở TP Severodonetsk (tỉnh Luhansk). Ảnh: REUTERS

Ông Macron khẳng định "không chống Nga, không tiêu diệt Nga"

Theo RT ngày 3-7, trong một bộ phim tài liệu gần đây được phát sóng trên truyền hình Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một số quan điểm về cách tiếp cận ngoại giao của ông đối với Nga.

Được quay trên một chuyến tàu trở về từ Kiev vào tháng trước, ông Macron giải thích rằng việc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin là cần thiết để ngăn cuộc xung đột ở Ukraine trở thành một cuộc chiến rộng hơn.

Ông khẳng định mục tiêu của ông là là “giúp Ukraine giành chiến thắng”, “không chống lại Nga" và "không tiêu diệt Nga”.

Đức nói về khả năng đảm bảo an ninh cho Ukraine

Theo RT ngày 3-7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ kém hơn so với các bảo đảm dành cho các thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ARD, ông Scholz cho biết Berlin đã thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh với “những người bạn thân thiết của mình” và quá trình này đang diễn ra.

“Rõ ràng là nó sẽ không giống như đối với một thành viên của NATO” - ông nhấn mạnh, đề cập đến nguyên tắc an ninh tập thể, áp dụng trong liên minh nhưng không áp dụng cho các bên thứ ba.

Tuy nhiên, ông cho biết vấn đề cung cấp một số đảm bảo an ninh cho Kiev "hiện đang được các nhà ngoại giao chuẩn bị kỹ lưỡng".

Trong lúc đó, ông Scholz cho biết phương Tây sẽ duy trì sức ép lên Nga thông qua việc sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Nga: Phương Tây ngăn Ukraine nghĩ về hòa bình

Theo RT ngày 3-7, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết Mỹ và đồng minh vẫn muốn xung đột ở Ukraine tiếp diễn.

Theo ông, phương Tây ngăn cản, không cho chính quyền ở Kiev nghĩ đến bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào.

Khi được hỏi về những lý do có thể khiến Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp không điện đàm với Tổng thống Nga nữa, ông Peskov gọi đây là một dấu hiệu khác cho thấy phương Tây không quan tâm đến việc đạt được hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán.

Người phát ngôn Điện Kremlin chỉ ra rằng Kiev vẫn sẽ phải “hiểu một lần nữa” tất cả yêu cầu mà Moscow đưa ra trước khi các cuộc đàm phán có thể tiếp tục. Ông nói chính phủ Ukraine cần nhận thức rõ quan điểm của Nga và nói thêm rằng Kiev chỉ cần “ngồi xuống bàn [đàm phán]” và “ký vào một văn bản phần lớn đã được thống nhất”.

Slovakia sẽ gửi máy bay chiến đấu MiG-29 đến Ukraine

Theo RT ngày 3-7, Thủ tướng Cộng hòa Czech - ông Petr Fiala cho biết Slovakia có thể gửi máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất cho Ukraine, sau khi Czech đồng ý tuần tra không phận Slovakia từ tháng 9 trở đi.

“Chúng tôi sẽ giúp Slovakia cho đến khi họ có máy bay mới theo ý mình" - ông Fiala nói.

Không quân Slovakia được cho là đang vận hành 12 chiếc MiG-29, những chiếc còn lại trong kho sau khi Liên Xô tan rã.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Slovakia - ông Eduard Heger tuyên bố sẵn sàng bàn giao hàng chục chiếc MiG, nếu các đồng minh của Slovakia sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quốc phòng của nước này cho đến khi những chiếc MiG được thay thế bằng máy bay chiến đấu của Mỹ.

Tin đồn rằng Slovakia sẽ gửi các máy bay này cho Kiev xuất hiện vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2. Khi đó, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Josep Borrell thông báo rằng khối sẽ cung cấp các máy bay phản lực do Liên Xô sản xuất từ ​​các nước Đông Âu cho không quân Ukraine.

Kế hoạch của ông Borrell đã không thành công, vì Ba Lan và Bulgaria không gửi máy bay này đến Ukraine do lo ngại sẽ kích động cuộc chiến trực tiếp với Moscow.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm