Ô nhiễm nước, không khí, rác thải sinh hoạt đang bủa vây Hà Nội, TP.HCM

(PLO)- 3 vấn nạn ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải sinh hoạt đang ngày càng gia tăng áp lực lên các đô thị Việt Nam, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Ô nhiễm nước, không khí, rác thải sinh hoạt đang bủa vây Hà Nội, TP.HCM

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà vừa thay mặt Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường năm 2021. Trong đó báo cáo đề cập đến hiện trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải sinh hoạt ngày càng trầm trọng tại các đô thị, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.

3 loại ô nhiễm bủa vây

Cụ thể, rác thải sinh hoạt trong năm 2021 phát sinh ngày càng lớn, có cơ cấu thành phần phức tạp. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn 47/63 tỉnh/thành phố là khoảng 53.048 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 36%. Riêng Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày, TP.HCM là 8.900 tấn/ngày.

Báo cáo cho hay rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước.

“Hiện nay vẫn còn lượng CTRSH đô thị và CTRSH nông thôn chưa được thu gom, xử lý theo quy định và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTRSH kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm” - báo cáo nêu.

Hầu hết CTRSH chưa được phân loại tại nguồn. Khoảng 70% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, trong đó chỉ có 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại không hợp vệ sinh, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Báo cáo cho hay ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện. Nhất là ô nhiễm nước ở các dòng sông chảy qua địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân do hạ tầng các đô thị chưa đáp ứng, nước thải sinh hoạt bị xả thẳng ra môi trường mà không được xử lý.

Rác thải sinh hoạt đang là vấn nạn đối với các đô thị lớn tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM
Rác thải sinh hoạt đang là vấn nạn đối với các đô thị lớn tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM

Báo cáo cho biết cả nước hiện có 71 nhà máy/trạm xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.383.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp. Trong khi đó giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và TPHCM tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Có thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu.

Giải pháp xử lý

Báo cáo cho biết về quản lý chất thải rắn, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường của các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt. Đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện, thay cho chôn lấp và đang triển khai 08 dự án với công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 157MW.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 47/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2021, tỷ lệ CTRSH được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28%, vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (89%)

Rác bị ùn ứ tại đường phố Hà Nội vào đợt tháng 7-2020 khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) vì gây ô nhiễm tới môi trường xung quanh.

Rác bị ùn ứ tại đường phố Hà Nội vào đợt tháng 7-2020 khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) vì gây ô nhiễm tới môi trường xung quanh.

Về quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước, báo cáo cho hay Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề thông qua việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý ô nhiễm các hồ, sông, kênh, rạch.

Về giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí, đặc biệt khí thải từ phương tiện giao thông, báo cáo cho hay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Theo đó, các bộ ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ GTVT cũng đã triển khai hoàng loạt kế hoạch để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Một trong những giải pháp đáng chú ý là việc rà soát các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã ban hành và đề xuất chỉnh sửa, thay thế (thực hiện trong giai đoạn 2022-2025). Triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5, đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Cùng với đó là đầu tư, ứng dụng công nghệ để hoàn thiện nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo môi trường; Theo dõi, cập nhập thông tin chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm