Ông Vũ Đức Đam tranh luận lại về quy hoạch Sơn Trà

“Chính phủ không để cho Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Bởi nếu Chính phủ mà để Đà Nẵng tự quyết thì hôm nay không có câu chuyện làm quy hoạch. Không có câu chuyện chúng ta bàn nhau về con số 300 hay 1.600 phòng mà là 5.000 hay 7.000 phòng và những cái đó thì tiếp tục làm rồi” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu.


Ông nhấn mạnh: “Chính phủ nói rất rõ đây là tiếp thu ý kiến. Chính phủ muốn rằng từ trước đến nay Đà Nẵng phối hợp với Bộ thì nay cần chủ động hơn trong việc tiếp thu ý kiến về Sơn Trà. Còn cuối cùng ý kiến của Đà Nẵng, tất cả các bên sẽ là Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi luật định hiện nay quy hoạch, phê duyệt hay bổ sung cũng là quyền của Thủ tướng. Và kể cả như tôi đã nói, chúng ta không phát triển Sơn Trà mà là bảo tồn thì bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia cũng là quyết định của Thủ tướng”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ông giải thích thêm: Nói Đà Nẵng cần chủ động hơn có hai lý do. Lý do thứ nhất là vấn đề Sơn Trà cần có sự thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Tất cả chúng ta đều yêu mến Sơn Trà như ĐB vừa nói, đều hy sinh vì nó... và nhân dân Đà Nẵng chắc chắn cũng như vậy. Không ai có thể nói nhân dân Đà Nẵng không yêu mến, hy sinh về Sơn Trà và nhân dân Đà Nẵng cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà.

Thứ hai, trước đây vì chưa có quy hoạch du lịch cho nên Đà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền của mình cấp phép cho dự án và với nhà đầu tư là Nhà nước cấp phép. Bây giờ, chúng ta có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì Đà Nẵng phải chủ động. Vì Đà Nẵng là người cấp thì phải làm việc với các nhà đầu tư. Khi Đà Nẵng phối hợp với Bộ để thống nhất quy mô đầu tư là 1.600 phòng thì Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị, có bước làm việc với các nhà đầu tư. Bây giờ chúng ta giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng như ĐB Nghĩa nói hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư.

Theo pháp luật, các quyết định sau này nếu ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đều phải có giải pháp cho doanh nghiệp. Và tôi tin rằng khi Đà Nẵng chủ động hơn vào cuộc thì chúng ta sẽ tìm một giải pháp tạo được sự đồng thuận trong nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước.

Phó Thủ tướng chốt lại: “Cuối cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần như tôi đã báo cáo là chúng ta phát triển phải bền vững. Những yếu tố nào về bền vững mà chúng ta chưa chắc chắn bây giờ thì lui lại để đến khi có đủ điều kiện chúng ta sẽ làm. Để làm phát triển bền vững cần có kinh nghiệm, tri thức và trong nhiều trường hợp suất đầu tư lớn hơn”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Trước đó, tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vào chiều 13-6, sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình “chia lửa” với tư lệnh ngành VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về câu hỏi căn cứ nào lập quy hoạch Sơn Trà 1.600 phòng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã tranh luận với Phó Thủ tướng. Ông cho rằng bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống với Hạ Long, Sơn Đoòng…

“Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này. Chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó không thể giao cho UBND TP Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì các cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị chúng ta phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn và Chính phủ phải vào cuộc. Cá nhân tôi cho rằng 300 phòng đã là nhiều” - ông Nghĩa nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm