Phát hiện nồng độ cồn mà không cần 'ma men' thổi ống

Vừa qua, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã tổ chức triển khai phương pháp đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế trên nhiều địa bàn ở TP.

Công cụ đo là máy Alcoholize LE5 có ưu điểm vượt trội là có đo nồng độ cồn ngay trong khi nói chuyện đối với trường hợp người điều khiển giao thông quá say, có hành vi chống đối hoặc hơi thở yếu không thể thổi qua ống.

“Tôi uống có một chút mà cũng vi phạm à?”

Tối 13-7, như thường lệ, Đội CSGT Hàng Xanh triển khai phân luồng, thiết lập biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn” dưới chân cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) để kiểm tra hàng loạt xe ô tô lưu thông trên đường, hướng từ vòng xoay Điện Biên Phủ về vòng xoay Hàng Xanh.

CSGT hướng dẫn xe ô tô vào khu vực kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: L. THOA

Các xe ô tô được hướng dẫn giảm tốc độ, đi vào khu vực kiểm tra nồng độ cồn. Tại đây, CSGT yêu cầu người lái mở cửa kính, sau đó, nhẹ nhàng đề nghị họ đếm từ 1000 đến 10.000 hoặc nói chuyện vài ba câu hay yêu cầu họ thổi nhẹ vào máy đo. Chỉ trong chưa quá 10 lần đếm thì máy đo sẽ phát hiện có nồng độ cồn hay không.

CSGT chỉ cần hỏi chuyện vài câu, hoặc đề nghị người lái xe đếm từ 1.000-10.000 là phát hiện được nồng độ cồn hay không. Ảnh: L. THOA

Nếu máy hiện dòng chữ “Cho qua” màu xanh thì người này không vi phạm nồng độ cồn, CSGT sẽ nói “Mình không có cồn, cảm ơn nhiều”.

Nếu phát hiện nồng độ cồn thì máy sẽ hiện dòng chữ “Cảnh báo” màu đỏ; CSGT sẽ hỏi thêm “Chiều nay anh có sử dụng rượu bia không” và mời người vi phạm vào khu vực phía trong để kiểm tra lại lượng cồn trong máu chính xác là bao nhiêu để tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

Nếu máy đo báo có nồng độ cồn thì người lái xe sẽ được hướng dẫn vào trong để đo lần 2 lấy kết quả vi phạm. Lúc này mới đo bằng phương pháp thông thường. Ảnh: L. THOA

Ông Trần Hồ L. (58 tuổi, ngụ Lâm Đồng) sau khi được lực lượng chức năng báo vi phạm nồng độ cồn thì ngạc nhiên nói: “Tôi uống có một chút mà cũng vi phạm à?”. Lập tức CSGT đưa máy đo nồng độ cồn chỉ ông L. có đến 0.87mg cồn/lít khí thở.

Ông L. cho biết ông đi từ quận Tân Phú qua Bình Thạnh sau khi kết thúc một bữa ăn liên quan đến công việc và ông chỉ uống khoảng 2-3 chai chứ không uống nhiều.

Anh K. cũng bị máy đo kiểu mới phát hiện nồng độ cồn dù chỉ đạt 0.144mg/lít khí thở. Anh K. cho biết chiều nay khi tiếp khách anh có uống hai chai bia; chứ bình thường thì phải uống từ 5 đến 7 chai. “Tôi biết uống nhiều rượu bia là vi phạm, lái xe không an toàn nên lần này cũng không dám uống nhiều, ai dè cũng bị phát hiện”- anh K. phân trần.

CSGT giải thích ông Trần Hồ L. dù uống có "chút" cũng đã vi phạm. Ảnh: L. THOA

Hàng trăm xe bị kiểm tra mỗi đêm

Theo thống kê của Đội CSGT Hàng Xanh, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ (từ 20g30 đến 21g30), lực lượng chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn đến hơn 200 trường hợp và phát hiện 6 người vi phạm; tạm giữ phương tiện và bằng lái xe.

Trung tá Lê Văn Chung – Phó Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh cho biết thời gian qua Đội tiến hành kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn từ 20g -22g mỗi đêm với số lượng lên đến hàng trăm xe ô tô. Trong đó, trung bình xử lý khoảng 14-15 người vi phạm.

Anh K. dù uống bia từ lúc chiều nhưng vẫn đạt mức 0.144mg/lít khí thở nên phải lập biên bản vi phạm. Ảnh: L. THOA 

Theo đó, Đội tổ chức đo đại trà các loại xe ô tô lưu thông trên đường, nếu máy phát hiện dấu hiệu rượu bia thì sẽ tiến hành đo lần 2 để xác định mức độ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

“Ưu điểm của phương pháp mới là kiểm tra được nhiều xe một cách đại trà,…Người lái xe chỉ cần mở cửa kính nói chuyện là CSGT có thể phát hiện nồng độ cồn nhưng để đo được mức độ bao nhiêu thì phải có máy đo chính xác để thiết lập biên bản vi phạm hành chính” – Trung tá Chung giải thích thêm.

Theo thống kê từ Phòng PC67, vi phạm về nồng độ cồn là một trong 9 lỗi vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông phổ biến nhất. Chỉ tính riêng trong năm 2016 tại TP.HCM đã xử lý 23.059 trường hợp vi phạm. Để khắc phục tình trạng này, Phòng đã triển khai quy định về đo nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế trên nhiều địa bàn ở TP.

Theo Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đối với ô tô, nếu người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có:

- Nồng độ cồn dưới 0,25 mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1 - 3 tháng.

- Nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 7- 8 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 4 – 6 tháng.

- Nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì phạt từ 16- 18 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 4-6 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm