Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Cần chế tài người tiến cử cán bộ sai phạm vào bộ máy nhà nước

(PLO)- Thông điệp “không muốn, không dám và không thể tham nhũng” là tổng thể nhưng công tác cán bộ được xem là gốc rễ của vấn đề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc chống “giặc nội xâm”.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, về thông điệp trên, đồng thời ông nêu một số giải pháp để công cuộc đấu tranh này thành công hơn.

PCTN, tiêu cực đẩy lên nấc mới

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác PCTN của Đảng ta trong thời gian qua?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (giữa) trong kỳ họp quốc hội

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (giữa) trong kỳ họp quốc hội

+ Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Khi chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị năm 2012, với vai trò trưởng Ban chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì công tác PCTN, tiêu cực có những chuyển biến về chất, đi vào chiều sâu và thực hiện rất quyết liệt, toàn diện, hiệu quả cao.

Từ cuối nhiệm kỳ khóa XII, đầu nhiệm kỳ khóa XIII, công tác PCTN, tiêu cực của Đảng được đẩy lên một nấc mới. Nhiều đại án được đưa ra xét xử, thể hiện rõ tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nếu phát hiện có vi phạm.

Đây là những sự việc chưa từng có, cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực. Đặc biệt là vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - “ngọn cờ đầu” trong đấu tranh PCTN, tiêu cực.

. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm PCTN, tiêu cực, Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh thông điệp “không dám, không thể và không muốn tham nhũng”, ông đánh giá thế nào về thông điệp này?

+ Thông điệp trên Tổng bí thư đã đặc biệt nhắc nhiều lần và tiếp tục xác định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”, là một trong bốn nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Do đó, Đảng và Nhà nước xác định PCTN, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kết quả công tác đấu tranh PCTN 10 năm qua đã khẳng định rằng việc dù khó khăn đến mấy, nếu có quyết tâm cao và cách làm đúng ắt sẽ làm được. Việc khó nhưng buộc phải làm để củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Đơn cử, mới đây nhất, những hành vi trục lợi trong công tác phòng chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao với sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên cũng đã được xử lý nghiêm, cả về kỷ luật Đảng và chính quyền, được dư luận nhân dân hoan nghênh, đồng tình.

Và thực tiễn cũng cho thấy đây là công việc không chỉ làm trong một sớm một chiều mà đòi hỏi phải làm kiên trì, bền bỉ, nhân văn, có tình, có lý và bài bản, đặc biệt phải hết sức thuyết phục. Thực tế, không ít cán bộ, đảng viên sai phạm khi bị xử lý kỷ luật, lúc đầu còn quanh co, chối tội nhưng sau đó đều nhận thức sai phạm và “tâm phục, khẩu phục”.

Tiến cử sai người phải bị nghiêm trị

. Ông đánh giá thế nào trong thời gian qua và cái gốc rễ là chỗ nào để cán bộ “không muốn tham nhũng” thành hiện thực?

+ Cái gốc rễ là công tác cán bộ, lựa chọn người đủ tài, đức, liêm chính, công tâm.

Bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, tôi cho rằng cần nhìn thẳng vào những hạn chế trong công tác PCTN. Đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, có lúc, có nơi dẫn đến sự quá tải công việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cá biệt, thay vì kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên thì không ít trường hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn phải “với tay” xuống cả cấp huyện để kiểm tra, xử lý.

Và một hạn chế được nhắc nhiều, đó là hầu hết các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực chủ yếu được “khui” ra từ dư luận nhân dân và báo chí. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu.

Có trường hợp, cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong PCTN, tiêu cực, thậm chí có nơi còn bao che, hợp thức hóa vi phạm. Đây là những hạn chế cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới.

. Đã có hàng loạt người bị kỷ luật, bị vào tù vì tham nhũng. Vậy chế tài nào cần tăng cường để quan tham biết sợ, thưa ông?

+ Tôi cho rằng vẫn là công tác lựa chọn cán bộ. Khi cán bộ xảy ra sai phạm, phải xử lý trách nhiệm người đề bạt, tuyển chọn làm quy trình…

Vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình cho những sai phạm trong công tác cán bộ. Chủ thể của tham nhũng là người có chức vụ, nắm giữ quyền lực, vấn đề gốc rễ là chọn nhân sự. Vì vậy phải trừng trị nghiêm khắc những ai đưa kẻ có sai phạm, thiếu tài, thiếu đức vào bộ máy nhà nước.

Tiến cử người làm lãnh đạo để lừa dân, dối Đảng phải bị nghiêm trị.

Kiểm soát quyền lực

. Người dân luôn mong mỏi cán bộ “không thể tham nhũng” và Tổng bí thư nhấn mạnh bằng định đề “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế để kiểm soát tham nhũng”. Vậy cơ chế, hành lang luật pháp nào để kiểm soát vấn nạn tham nhũng hiện nay, thưa ông?

+ Thông điệp của Tổng bí thư hàm chứa nhiều vấn đề về chủ trương, giải pháp, kiểm soát quyền lực bằng những quy định pháp luật cụ thể. Đặc biệt là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như tổ chức nhân sự, tài chính, quản lý đất đai… Kiểm soát quyền lực là xác định vai trò trực tiếp người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân trong tập thể.

Để cán bộ “không thể tham nhũng” phải có chế tài mạnh mẽ, trừng trị nghiêm sai phạm. Đồng thời đặt ra tiêu chuẩn chức danh về tài, đức cho từng vị trí cụ thể để kẻ không đủ năng lực phải tránh xa, không thể, không được đưa vào làm cán bộ.

Nếu được, cần xem xét quy định là người tiến cử, bổ nhiệm nhân sự phải chịu trách nhiệm, thậm chí là hình sự nếu chọn nhân sự kém tài, kém đức gây ra sai phạm. Đồng thời cần có quy định cụ thể về trọng dụng người tài, đức.

. Vừa qua, Bộ Chính trị đã xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, nhiều cán bộ vẫn có tâm lý e ngại, sợ sáng tạo sẽ làm sai, làm trái, nhất là sau nhiều vụ sai phạm bị xử lý. Quan điểm của ông về việc này?

Hai lưu ý về Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh

Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh được xem là “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc tồn đọng trong dân, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.

Tuy nhiên, cần lưu ý hai vấn đề của Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh.

Nếu trưởng ban không trong sạch, thậm chí trót “nhúng chàm” thì công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương sẽ có kết quả ngược lại.

Thứ hai là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, vì nếu trưởng ban độc đoán, chuyên quyền hoặc lộng hành thì chức danh trưởng ban chỉ đạo này có khi lại là “bàn đạp” để củng cố quyền lực, biến Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành công cụ hợp thức hóa và xây dựng “vây cánh” cho họ. Thậm chí, không loại trừ trường hợp những cá nhân này sẽ thao túng, khống chế, trù dập người tài, đức, những người dám đứng lên đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Đây là những điều cần hết sức cảnh giác và tránh để xảy ra trên thực tế.

+ Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm đã có và cần đi vào thực tiễn để bảo vệ cán bộ dám đột phá vì cái chung. Thực tế có cấp ủy Đảng lợi dụng kẽ hở để bóp méo các quy định hãm hại cán bộ dám đấu tranh, dám nghĩ, dám làm… vì vậy tôi đề nghị phải trừng trị nghiêm khắc bằng pháp luật hình sự đối với những ai trù dập cán bộ, lợi dụng quyền lực để bổ nhiệm, đề bạt những người không đủ phẩm chất để cống hiến, phục vụ nhân dân đất nước vào bộ máy.

Quan trọng nhất là phải lựa chọn đúng người thực tài, thực đức vào các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời trừng trị thật nghiêm khắc hiện tượng gian lận, man trá trong tiến cử nhân sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, tránh tình trạng “vây cánh, lợi ích nhóm” trong hệ thống chính trị. Đây cũng là biện pháp để phòng nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Nếu chúng ta không chọn được người thật sự xứng đáng sẽ có thêm những “con sâu làm rầu nồi canh”, thậm chí nếu những “con sâu đó” leo cao hơn thì hiệu quả đấu tranh PCTN, tiêu cực đương nhiên sẽ khó có thể thực chất.

PCTN chỉ đạt hiệu quả khi “trên - dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt”, điều mà Tổng bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh.

Tôi tin rằng với quyết tâm rất cao cùng nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước ta, trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chắc chắn công tác PCTN, tiêu cực sẽ được đẩy lên tầm cao mới, để đảng viên thực sự “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

. Xin cám ơn ông.

..........................................

Vẫn có người dân thỏa hiệp với tham nhũng

Chương trình PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) do chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện tại Việt Nam đã được 14 năm, tức trải qua ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng.

Khảo sát qua các năm thì thấy người dân có cảm nhận tốt dần lên về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) kể từ năm 2016. Tín hiệu ấy tích cực hơn vào năm 2021.

Tuy nhiên, các dữ liệu vẫn cho thấy tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành tập quán, tức thành “văn hóa” trong ứng xử, suy nghĩ, hành động của tất cả các bên, từ cán bộ, công chức đến người dân, doanh nghiệp. Tập quán xấu ấy đầu tiên là do khu vực công tạo ra và lâu dần khiến người dân phải chấp nhận, thỏa hiệp để được việc.

Tín hiệu tốt là trong các câu trả lời, người dân đều rất ủng hộ sự quyết tâm của Đảng, nhất là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và đều đánh giá tích cực về kết quả công tác này. Tuy nhiên, tín hiệu chưa tốt lại nằm ở câu hỏi: Khi bị vòi vĩnh thì đến cỡ bao nhiêu tiền thì ông/bà sẽ tố giác?

Kết quả PAPI 2021, tính trung bình người dân sẽ phản ứng lại nếu số tiền phải hối lộ lên tới 25 triệu đồng. Vấn đề là con số này liên tục tăng theo chỉ số PAPI các năm chứ chưa có chiều hướng giảm xuống. Điều này phản ánh bên

cung ngày càng sẵn sàng thỏa hiệp với bên cầu tham nhũng.

Chúng tôi cũng băn khoăn là tại sao trung ương chống tham nhũng quyết liệt vậy mà

người dân vẫn tiếp tục xu hướng thỏa hiệp, ngại phản kháng với tham nhũng. Phân tích dữ liệu thì kết luận là các vụ việc được phát hiện, xử lý trong thời gian qua chủ yếu là các vụ lớn, vẫn “trên nóng, dưới lạnh”. Còn đối tượng nghiên cứu của PAPI là người dân và chính quyền địa phương, cơ sở - vốn là nạn nhân của tham nhũng vặt.

Ngoài ra, các câu hỏi sâu hơn cũng cho thấy lý do không phản kháng, tố giác. Đó là người dân sợ bị trù úm, là chẳng lợi lộc gì mà tố giác, hoặc không biết tố giác với ai. Rồi tỉ lệ người trả lời có hiểu biết về Luật PCTN, Luật Khiếu nại, tố cáo thấp cũng là nguyên nhân…

Vậy với việc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực thì gợi ý chính sách từ PAPI là Đảng, Nhà nước cần chú ý hơn tới việc tăng cường năng lực phản kháng cho người dân trước các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức.

PCTN, tiêu cực nên cả hai chân, hai phía, cả bên cung, bên cầu tham nhũng.

ĐỖ THANH HUYỀN (dự án PAPI)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm