Sử dụng thực phẩm thế nào để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa?

(PLO)-  Một trong những cách để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa là người tiêu dùng nên lựa chọn những thực phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng thực phẩm đúng cách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là một biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề hấp thu dinh dưỡng và sức khỏe, các triệu chứng thường gặp như đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy…

Chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, để phòng rối loạn tiêu hóa người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn những thực phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách.

Theo Cục An toàn thực phẩm, có nhiều nhóm thực phẩm được tiêu thụ hàng ngày, tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm có những cách lựa chọn phù hợp:

Cụ thể, đối với nhóm ngũ cốc và nhóm hạt: Hạt phải chọn khô, không bị ẩm mốc, các hạt đều nhau, trong, không đục, màu sắc tự nhiên không bị biến đổi.

Nhóm thịt và các sản phẩm từ thịt: nên chọn thịt dẻo, thơm mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ, bề mặt miếng thịt không có lớp màng bao phủ, lấy ngón tay ấn sẽ thấy đàn hồi tốt và không chảy nước.

Nên chọn thịt dẻo, thơm mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ. Ảnh: NV

Nên chọn thịt dẻo, thơm mùi đặc trưng, không hôi, không có mùi lạ. Ảnh: NV

Nhóm thủy sản và sản phẩm thủy sản: vảy cá xếp đều, trắng, không bong tróc, không có các dấu hiệu bất thường, mang cá khép chặt, nếu lấy tay nâng mang cá lên xem sẽ thấy mang cá màu hồng tươi, mắt cá to, sáng trong, hơi lồi ra ngoài…Hải sản nên mua khi chúng còn sống, không mua hải sản đã bị ôi, không có mùi đặc trưng.

Đối với nhóm rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả: chọn lựa rau củ không héo, màu xanh hoặc màu đặc trưng mà không bị biến dạng, cành lá cứng cáp, không mềm, thân cây rau không có nhớt, cuống lá rau phải còn xanh, cứng.

Đối với quả, chọn quả không bị nứt, vỏ không thủng, không dập nát, lõi cành bên trong màu xanh, thơm mùi nhựa. Không chọn quả khô, héo, quắt, thâm dập chuyển màu. Nên chọn thực phẩm theo mùa.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong sơ chế, chế biến thực phẩm người tiêu dùng nên lưu ý một số nguyên tắc như: Nấu chín kĩ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C; Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kĩ lại.

Bên cạnh đó, cần tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn; Muốn giữ thức ăn quá năm tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm