Đến nơi đầu sóng, ngọn gió - Bài 1:

Thăm phên giậu Trường Sa, nhớ tiền nhân mở cõi

(PLO)- Những người con ở đất liền dải đất hình chữ S suốt nhiều thế kỷ qua chưa bao giờ ngừng hướng về Trường Sa, Hoàng Sa - những núm ruột của quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: Giữa biển trời Trường Sa nhớ tiền nhân mở cõi

LTS: Giữa cuối tháng 5-2022, tàu KN290 chở hơn 200 đại biểu Đoàn công tác số 9 đã hoàn thành chuyến thăm, động viên và tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2022). Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu loạt bài viết xoay quanh chuyến hành trình mang lại nhiều ý nghĩa và cảm xúc đặc biệt này.

Lễ chào cờ và duyệt binh được tổ chức trang nghiêm, trọng thể ở đảo Trường Sa.

Lễ chào cờ và duyệt binh được tổ chức trang nghiêm, trọng thể ở đảo Trường Sa.

Chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa đang đón tàu KN290 đến thăm.

Chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa đang đón tàu KN290 đến thăm.

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vì bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ảnh trong bài: ĐỖ THIỆN

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh vì bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ảnh trong bài: ĐỖ THIỆN

Tôi xin bắt đầu câu chuyện bằng những cụm từ quen thuộc: Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa. Các từ khóa này “hot” thuộc vào hàng bậc nhất trong những năm gần đây trên các diễn đàn an ninh, ngoại giao khu vực. Với người Việt Nam như tôi, đó là “núm ruột”, là Tổ quốc, là niềm tự hào thật sự lớn lao.

Chuyến tàu KN290 với một hải trình đặc biệt mà tôi chưa từng trải nghiệm, sẽ đưa chúng tôi đến thăm chính quê hương mình, đồng bào mình, Tổ quốc mình giữa biển, vốn lâu nay chỉ được nhìn trên truyền hình hay xem trên Internet.

“Tổ quốc ở biển Trường Sa” hiện lên trước mắt, gần đến mức tưởng chừng có thể chạm được và ôm trọn vào lòng cho thỏa khát khao và niềm tự hào mãnh liệt.

Tổ quốc hiên ngang giữa biển

Hoàng hôn trên biển đẹp nao lòng, tàu KN290 thi thoảng lướt qua vài con tàu chở hàng xa lạ, trông cồng kềnh nhưng bé xíu giữa ngàn khơi hùng vĩ. Đứng trên boong tàu KN290 vào buổi chiều đầu tiên của ngày tàu rời cảng từ TP.HCM đến Trường Sa, tôi hít một hơi thật sâu, thả tầm mắt đến cuối đường chân trời, cảm xúc về chủ quyền hiện rõ mồn một. Từ thuở cha ông đến những vùng biển, vùng trời ở Trường Sa (và cả Hoàng Sa) xác lập chủ quyền hợp pháp vào nhiều thế kỷ trước, trải qua “vật đổi sao dời”, biết bao người đi qua, có nhiều tiền nhân nằm xuống, Tổ quốc vẫn hiên ngang, sừng sững, vững vàng giữa nơi đầu sóng ngọn gió.

Nói về việc xác lập chủ quyền, trong vô số tài liệu có giá trị, tôi nhớ có lần được tham khảo công trình nghiên cứu dài hàng trăm trang (công bố vào năm 2014 trên Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA)) của tác giả Đại tá Raul Pedrozo, cựu cố vấn pháp lý thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ. Với nhan đề Trung Quốc và Việt Nam: Phân tích các yêu sách chủ quyền đối lập tại Biển Đông, ấn phẩm đặc biệt này dẫn lại nhiều sự kiện lịch sử, các bằng chứng và các quy tắc chung của luật pháp quốc tế liên quan đến việc thụ đắc lãnh thổ (trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS 1982), cho thấy Việt Nam có các yêu sách thuyết phục đối với các đảo ở khu vực Biển Đông.

Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được chứng minh thuyết phục cả về khía cạnh lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Trong khi đó, cũng có đủ bằng chứng độc lập để kết luận cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã quản lý, kiểm soát Trường Sa, Hoàng Sa một cách hữu hiệu và hòa bình, tạo ra danh nghĩa pháp lý rõ ràng với hai quần đảo này.

Đoàn công tác của TP.HCM đến với Trường Sa ngoài việc thăm, động viên thì cũng mong muốn được học hỏi, được tìm hiểu, lắng nghe nhiều hơn về tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn từ các chiến sĩ và người dân ở các điểm đảo. Nhìn vào khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, người dân ở các điểm đảo so với ở TP.HCM, mỗi đại biểu đang làm việc trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau có thể tìm hiểu, nghĩ ra thêm những sáng kiến, đóng góp cụ thể của mình để góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các điểm đảo an tâm sống, chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PHAN THỊ THẮNG,
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Nhớ về các bậc tiền nhân

Tàu KN290 dừng chân tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa; nơi mà cách đây hơn 30 năm, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã quyết chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu. Từ Cô Lin qua Gạc Ma chỉ tầm vài ba hải lý, chúng tôi có thể nhìn rõ Gạc Ma đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng quy mô lớn trái phép lên đến hàng chục hecta với tòa nhà cao tầng, radar hàng hải, ăngten parabol, radar điều khiển hỏa lực, hệ thống súng pháo, tháp radar đối không, tháp viễn thông thu phát sóng…

Sự kiện Gạc Ma được chúng tôi nghe nhiều qua sách vở, báo đài và cả những tư liệu cũ. Thế nhưng đứng tại vùng biển mà lịch sử đã ghi lại những thời khắc “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những hình ảnh bi tráng năm nào lướt qua như những thước phim chiếu chậm.

Tại Gạc Ma, rạng sáng 14-3-1988, Trung Quốc đã bất chấp việc vi phạm Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hợp Quốc, ngang nhiên nổ súng vào những chiến sĩ của Việt Nam, khiến 64 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương. Đã có rất nhiều tấm gương tiền nhân bất khuất, can trường là cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân... Người đời sau vẫn còn kể cho nhau nghe về thời khắc đối diện quân địch hỏa lực mạnh, Trung úy Trần Văn Phương vẫn bình tĩnh trấn an đồng đội, để không một ai vì kẻ thù trước mắt mà từ bỏ dù chỉ một tấc đất, tấc biển, đảo chủ quyền.

Những nén nhang nghi ngút khói tỏa khắp hướng theo gió biển, cùng những dòng diễn văn tưởng niệm vừa xót xa nhưng cũng vừa hùng tráng, bất chợt có ai đó sụt sùi, cay cay khóe mắt. Tự dưng nhớ đến mấy câu trong lời bài hát Khúc quân ca Trường Sa: Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa.

“Tổ quốc ở biển Trường Sa” hiện lên trước mắt, gần đến mức tưởng chừng có thể chạm được và ôm trọn vào lòng cho thỏa khát khao và niềm tự hào mãnh liệt.

Giây phút ấy, những bậc tiền nhân từng dấn thân tiến ra biển lớn mở cõi và rồi không ngại hy sinh thân mình để giữ gìn bờ cõi dường như hiện về trước mặt, chứng kiến các thế hệ đời sau bày tỏ quyết tâm tiếp nối truyền thống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.•

Hành trình thăm, tặng quà nhiều điểm đảo

Đoàn công tác số 9 TP.HCM do Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, làm trưởng đoàn; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM (Trưởng đoàn công tác TP.HCM), làm phó đoàn. Cạnh đó, đoàn có bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM…

Chuyến công tác của Đoàn công tác số 9 đã đến thăm các đảo Đá Nam, Sinh Tồn, Đá Tây B, Tốc Tan A, Thuyền Chài B, Song Tử Tây, Núi Le B, Cô Lin, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/8 (Quế Đường)... Để chuẩn bị tốt cho chuyến đi, đoàn TP.HCM cùng Bộ Tư lệnh Vùng 2 và Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân, ban lãnh đạo tàu KN 290 xây dựng kế hoạch từ sớm, với tổng kinh phí phục vụ chuyến đi là gần 28 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm