Độc đáo tìm hiểu Sài Gòn xưa qua lịch sử những chiếc cầu

Chương trình do Khoa du lịch Trường ĐH Hoa Sen kết hợp với đường sách và CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ tổ chức.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng chia sẻ về lịch sử và vẻ đẹp của những chiếc cầu tại TP.HCM.

Cầu Bông, cầu Mống, Thị Nghè...

Tại buổi tọa đàm, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã trình bày lịch sử những chiếc cầu của Sài Gòn xưa - TP.HCM ngày nay lần lượt gồm có cầu Thị Nghè (1725), cầu Bông (1736), cầu Mống (1893), cầu Bình Lợi (1902), cầu Nhị Thiên Đường (1925), cầu Chữ Y (1938).

Với tốc độ phát triển của thành phố, lần lượt đã có nhiều chiếc cầu mới ra đời với kỹ thuật tân tiến và thiết kế độc đáo như cầu Ánh Sao (2009), cầu Phú Mỹ (2009), cầu Ông Lớn (2004), cầu Khánh Hội (2009)… trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách.

Chiếc cầu là phương tiện kết nối giao thông giúp ích cho sinh hoạt dân sinh. Chiếc cầu đã trở thành kỷ niệm đẹp trong lòng người dân về những ngày mưa nắng qua lại. Tên chiếc cầu gắn liền tên vùng đất, gắn liền lịch sử địa phương và là biểu tượng văn hóa tiêu biểu của một vùng đất. Đã có nhiều câu ca dao còn lưu truyền về tên những chiếc cầu của TP.HCM chẳng hạn:

Cầu Bông, cầu Mống, Thị Nghè,
Chữ Y, Bình Lợi ai về ai đi.
Nhị Thiên Đường mãi khắc ghi,
Tình chàng ý thiếp trọn nghì Kinh Đôi.

Qua cầu Bông hay vòng qua cầu Sắt,
Đường nào cũng tắt tới Lăng Ông,
Có thương em thì đừng một dạ hai lòng,
Linh thiêng miếu võ, thệ tâm đồng em mới tin.

“Ngoài những chiếc cầu hữu hình ấy, người dân thành phố chúng ta còn có những chiếc cầu vô hình nhưng tuyệt đẹp, chính là chiếc cầu nhân ái, thể hiện lòng hào hiệp như bản tính của người phương Nam xưa. Điều này thể hiện trong việc luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng bào hoạn nạn do thiên tai, mất mùa, giúp đỡ cho các bạn sinh viên nghèo đi thi, chuyến xe nghĩa tình về quê ăn tết. Nghĩa cử lớn lao hơn khi có nhiều đơn vị chung tay quyên góp xây cầu cho đồng bào vùng sâu ví dụ như Trường THPT Nguyễn Du từ năm 2016 đến nay đã xây dựng được bốn chiếc cầu cho bà con huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Chiếc cầu tinh thần còn thể hiện ở người làm nghệ thuật, điển hình như nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đã dùng tiếng đàn của mình để giao lưu, chia sẻ về âm nhạc truyền thống Việt Nam ra tầm thế giới...” - diễn giả Hồ Nhựt Quang tâm sự.

Tuồng tích người cho xây dựng cầu Ông Lãnh

Trong chương trình, người mộ điệu còn được dịp nghe nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng trình bày về quá trình đem âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Chị còn nhắc lại những kỷ niệm đẹp về cầu Trương Minh Giảng, nay là cầu Lê Văn Sỹ và đã đàn tặng cho chương trình bài Qua cầu gió bay.

Chương trình kết thúc bằng tác phẩm cải lương Lãnh Binh Thăng (tác giả Hồ Nhựt Quang) để nhắc tích ông Nguyễn Ngọc Thăng đã cho xây dựng cầu Ông Lãnh. Vở tuồng kể lại sự kiện sau khi tướng Trương Định thất bại và tuẫn tiết tại Ao Dinh, ông đã gom tàn quân về vùng Lý Nhơn (Cần Giờ) tiếp tục kháng Pháp trong hoàn cảnh thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Cuối cùng ông đã hy sinh anh dũng vào đêm rằm tháng 5 năm 1866.

Trình diễn tác phẩm cải lương Lãnh Binh Thăng (tác giả Hồ Nhựt Quang) để nhắc tích ông Nguyễn Ngọc Thăng đã cho xây dựng cầu Ông Lãnh.

Biểu diễn tiết mục ca ngợi sự hy sinh của tướng Lãnh Binh Thăng chống cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

Hơn 200 khán giả của đường sách bị thu hút bởi tác phẩm có sự tham gia của các bạn sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, thể hiện vũ đạo đấu võ chống trả lại quân Pháp như một nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm sau chương trình.

Em Phan Quang Phương và em Phạm Duy Khương sinh viên năm nhất của trường đều có chung cảm xúc, tưởng diễn cải lương là dễ nhưng cực kỳ khó, cần phải tập luyện rất nhiều và khi biết rồi thì thích vô cùng. Đặc biệt, được diễn và được biết lịch sử tuồng tích thì cảm thấy văn hóa nước mình tuyệt vời quá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm