TP.HCM: Tỉ lệ ca sốt xuất huyết nặng tăng cao

(PLO)- Trong bốn tháng đầu năm TP có 4.700 ca sốt xuất huyết, trong đó 109 ca nặng, chiếm tỉ lệ 2%, cao gấp bốn lần so với tỉ lệ của những năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: TP.HCM: Tỉ lệ ca sốt xuất huyết nặng tăng cao

Mới đây, đoàn giám sát hỗ trợ do Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng dẫn đầu đã có buổi kiểm tra một số điểm nguy cơ sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Đoàn giám sát hỗ trợ nhắc nhở người dân xử lý ngay vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Đoàn giám sát hỗ trợ nhắc nhở người dân xử lý ngay vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Ba ca tử vong do SXH

Theo ghi nhận, số ca mắc SXH tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đều có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý, Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) ghi nhận một ca bệnh SXH tử vong sống ở một chung cư trên địa bàn. Tiến hành điều tra dịch tễ xung quanh, đoàn phát hiện công trình sát chung cư có nhiều vật dụng làm phát sinh lăng quăng như vỏ thùng sơn, bãi rác…

Theo thống kê trong tháng 4, quận Bình Tân có hơn 1.300 điểm nguy cơ cao như các khu đất trống, công trình xây dựng, hệ thống cống rãnh tại hơn 100 trường học; các hộ nuôi gà, bình hoa tại khu vực nghĩa trang, bãi xe và các cơ sở bán sắt thép. Tại những điểm nguy cơ này, quận đã tiến hành xử lý và kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tính từ đầu năm đến nay, quận có tổng số 663 ca mắc SXH, tỉ lệ bệnh nặng chiếm 1,36%, gấp đôi những năm trước.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung, từ đầu năm đến nay, quận tập trung tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở vi phạm, chưa đặt nặng việc xử phạt. “Qua giai đoạn tuyên truyền, quận sẽ tập trung xử phạt theo Nghị định 117 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, tập trung vào các điểm có nguy cơ cao, những công ty, xí nghiệp chưa chấp hành việc phòng chống dịch. Vừa rồi quận có làm việc với các đơn vị lớn về công tác phòng chống dịch trong khuôn viên cũng như tuyên truyền, nhắc nhở công nhân” - bà Dung cho biết.

Tại huyện Bình Chánh, đoàn kiểm tra ghi nhận có hai ca tử vong do SXH từ đầu tháng 4 đến nay. Số ca SXH cao nhất ghi nhận thuộc các xã Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A và Phạm Văn Hai. Đoàn công tác đã giám sát thực tế tại hai trường tiểu học và nhắc nhở một trường học còn để vật chứa nước đọng làm phát sinh lăng quăng.

Phòng khám không được giữ bệnh nhân SXH

Báo cáo tại buổi làm việc với quận Bình Tân, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết qua khảo sát, có tình trạng một số phòng khám giữ bệnh nhi SXH lại điều trị. Trong đó, có phòng khám còn truyền dịch cho bệnh nhi và giữ bệnh nhi rất nặng lại điều trị.

“SXH nặng có thể xảy ra từ ngày thứ ba trở đi nhưng nhiều khi bệnh nhân không biết mình đang ở ngày thứ mấy mà khai ngày thứ nhất, thứ hai. Do đó, nếu không có chỉ định nhập viện thì phải dặn kỹ các dấu hiệu cảnh báo cho bệnh nhân để nhập viện kịp thời… SXH nặng điều trị không bệnh nhi nào giống bệnh nhi nào, tùy mức độ tổn thương mà có phương án điều trị khác nhau. Phòng khám không thể giữ bệnh SXH để theo dõi được, bệnh nhi có nguy cơ nên đưa vào BV” - BS Phương cảnh báo, đồng thời cho rằng không chỉ riêng phòng khám, kể cả các BV cũng cần lưu ý có chỉ định chuyển tuyến trên hoặc hội chẩn cần chuyển viện thì nên chuyển sớm.

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết sau thời gian dịch COVID-19, người dân vẫn còn tâm lý ngại lây nhiễm và các thủ tục khám sàng lọc ở BV nên ngại đi khám. Mới đây, một bệnh nhi được đưa đến BV Bệnh nhiệt đới nhưng đã tử vong, không theo dõi kỹ ngoài cộng đồng. Do đó, BV nên tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, tránh làm cho bệnh nhân có cảm giác bị phân biệt đối xử, các BV nên có kế hoạch tiếp nhận bệnh ngay từ phòng khám.

Từ đầu năm 2022 đến nay, số ca tử vong do SXH tại TP.HCM là bốn ca. Các chuyên gia dự báo trong năm 2022, SXH có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn.

Vai trò phòng chống SXH của người dân rất lớn

BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), cho biết trong bốn tháng đầu năm TP có 4.700 ca SXH, trong đó 109 ca nặng, chiếm tỉ lệ 2%, cao gấp bốn lần so với tỉ lệ của những năm trước. Các chuyên gia dự báo trong năm 2022, SXH có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn, ngành y tế yêu cầu các địa phương phải rốt ráo, tăng cường giám sát sớm các ca bệnh SXH.

Cũng theo BS Nga, một trong những khó khăn kiểm soát dịch lớn nhất là địa bàn TP lớn, đông dân và đa dạng, có những khu đô thị ổn định, những khu đang đô thị hóa và cả nông thôn với rất nhiều điểm nguy cơ khác nhau. Điều này đòi hỏi mỗi địa phương phải tự đánh giá mức độ nguy cơ để từ đó đưa ra chiến lược phù hợp. Đặc biệt để phát hiện sớm các ca mắc, các phòng khám tư nhân khi phát hiện ca bệnh SXH hoặc nghi ngờ bệnh nhân mắc SXH phải báo cáo ngay cho trung tâm y tế.

Ngoài ra, còn rất nhiều người dân bị SXH nhưng ở nhà tự điều trị. UBND địa phương phải truyền thông để khu phố, tổ dân phố nắm thông tin, tuyên truyền cho người dân, khi bị sốt phải báo cho trạm y tế phường điều tra dịch tễ, tiến hành các biện pháp xử lý, ngăn chặn ổ dịch.

“Người dân có vai trò rất lớn trong phòng chống SXH vì ổ lăng quăng ở ngay trong nhà mình, do đó mỗi tuần nên dành 10-15 phút tìm ổ lăng quăng để diệt. Để phòng tránh muỗi đốt, cần giữ nhà cửa gọn gàng, sạch thoáng, sử dụng kem xua muỗi, phải ngủ mùng để tránh muỗi đốt. Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bị sốt cao đột ngột cần phải đi khám ngay ở các cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn xử trí phù hợp” - BS Nga nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm