Trình phương án đầu tư mở rộng tuyến TP.HCM-Trung Lương trong tháng 6

(PLO)-Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành rất quan trọng vì liên quan đến dự án sân bay Long Thành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT chiều 7-6, đại biểu (ĐB) Trần Anh Tuấn (Đoàn TP.HCM) phản ánh việc hai tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, đặc biệt những ngày cuối tuần.

ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết kế hoạch mở rộng hai tuyến này trong thời gian tới.

ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Quy hoạch dự án TP.HCM - Long Thành 8-10 làn xe

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay với dự án TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đang chuẩn bị các nội dung liên quan đến phương án đầu tư tuyến này, dự kiến sẽ trình Thủ tướng trong tháng 6.

“Đây là tuyến lưu lượng rất đông, hiện không còn bảo đảm. Liên quan đến tuyến này còn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cần phải tính toán” - ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Đối với dự án TP.HCM - Long Thành, Bộ trưởng cho biết Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đầu tư, khai thác, quy hoạch dự án 8-10 làn xe.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông Thắng, VEC cùng Ủy ban Quản lý vốn đang phối hợp với Bộ GTVT trình Thủ tướng vấn đề liên quan tới tái cơ cấu VEC, đặc biệt là việc sử dụng các nguồn vốn tự có và coi như tự có của VEC để đầu tư các dự án. Nếu nguồn tài chính của VEC bảo đảm thì mới làm được.

Đánh giá dự án TP.HCM - Long Thành nếu do doanh nghiệp đầu tư sẽ “rất hiệu quả”, ông Thắng cho hay ông đã trao đổi với lãnh đạo VEC, gợi mở phương án liên doanh, liên kết khi thực hiện dự án này.

“Chủ tịch và Tổng Giám đốc của VEC đã ghi nhận ý kiến này và sẽ có đề xuất sớm” - ông Thắng nói và đồng thời cho hay VEC đã có công văn gửi Bộ GTVT, gửi Thủ tướng xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này.

“Đây là nội dung đặc biệt quan trọng được chúng tôi đặc biệt quan tâm vì liên quan đến dự án sân bay Long Thành. Nếu dự án sân bay Long Thành hoàn thành, dự án này cần 8-10 làn xe, chưa kể chúng ta phải đầu tư tiếp các tuyến liên quan đến đường sắt thì mới bảo đảm được” - vẫn lời ông Thắng.

Khó thu hút nguồn vốn đầu tư PPP

ĐB Trần Anh Tuấn cũng đề cập việc hiện một số dự án đã phê duyệt chủ trương theo hình thức BOT nhưng sau đó chuyển qua hình thức đầu tư công. Dự án chưa triển khai thực hiện, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm thời gian chuẩn bị kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau.

ĐB TP.HCM đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 7-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 7-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ đây cũng là vấn đề cá nhân ông và ngành GTVT rất trăn trở.

“Từ khi ban hành Luật PPP đến nay, chúng ta chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP” - ông Thắng nói và cho biết Bộ GTVT đang nghiên cứu, tới đây sẽ đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư PPP.

Theo Bộ trưởng, nhu cầu đầu tư hạ tầng chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2025 cần 462.000 tỉ đồng, thực tế đến giờ phút này mới bố trí được hơn 66%, do vậy rất cần các nguồn vốn xã hội hóa để tham gia vào lĩnh vực này.

“Muốn vậy cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, nhất là phải tạo được niềm tin của doanh nghiệp, tạo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp”- ông Thắng nhấn mạnh.

Nêu vấn đề về thể chế, Bộ trưởng cho rằng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ông dẫn chứng quy định doanh thu tăng trên 125%, nhà đầu tư phải chia sẻ với nhà nước, hay doanh thu giảm xuống dưới 75% thì nhà nước phải bù.

“Thế nhưng bù như thế nào, từ nguồn nào thì chưa rõ”- ông Thắng nói.

Hay những vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đã ký, hợp đồng quy định rất rõ thời điểm nào được tăng phí nhưng suốt từ năm 2019 đến nay, do các vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta cũng không thực hiện việc cho các doanh nghiệp tăng phí theo hợp đồng, dẫn đến doanh thu không bảo đảm.

Theo ông, việc này dẫn đến nhiều hệ lụy với ngân hàng và nợ quá hạn.

Ngoài câu chuyện cơ chế, Bộ trưởng GTVT cho hay còn rất nhiều vấn đề khác cần tính toán, tháo gỡ. Chẳng hạn cũng liên quan đến Ngân hàng, một dự án BOT thường kéo dài 15- 35 năm, bình quân khoảng 20 năm nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho vay tối đa 10-12 năm.

“Trước đây, khi kinh tế tốt, sức khỏe doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp lấy các nguồn doanh thu để bù vào. Còn bây giờ kinh tế khó khăn như thế này, vòng đời của dự án là 20 năm mà chỉ cho vay 10-12 năm thì không thể làm được”- ông Thắng nói tiếp.

Ghi nhận ý kiến ĐB, ông Nguyễn Văn Thắng cho hay Bộ này sẽ phối hợp cùng Bộ KH&ĐT và các bộ ngành, tham mưu Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề huy động các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm