Trồng trầu, cau để giữ “18 thôn vườn trầu”

(PLO)-  UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM phát động trồng cây cau, dây trầu để thế hệ trẻ huyện này nhận thức được trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ hàng cau, dây trầu xanh mướt vừa được trồng trong khuôn viên ngôi đình trên địa bàn xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bảy (64 tuổi, ở xã Bà Điểm) cười nói: “Nhìn cây cau, dây trầu mát mắt làm sao. Tôi mong chính quyền địa phương tổ chức trồng cau, trầu mỗi năm để địa danh “18 thôn vườn trầu” không bị quên lãng”.

Vui vì địa phương phát động trồng trầu, cau

Bà Bảy nói tiếp: “Tôi sống ở xã Bà Điểm từ nhỏ tới giờ nên hình ảnh cây cau, dây trầu ăn sâu trong tiềm thức. Buồn là diện tích trồng trầu, cau ngày càng thu hẹp do người ta cất nhà hoặc xây phòng trọ cho thuê. Đâu chỉ vậy, không ít người phá vườn trầu, cau để mở quán nhậu, cà phê sân vườn… Hiện diện tích trồng trầu, cau còn ít lắm. Tôi chỉ sợ sắp nhỏ sau này không còn thấy cây cau, dây trầu ngay trên quê hương “18 thôn vườn trầu”. Nghĩ tới đó, lòng tôi buồn lắm”.

Trước đây, mỗi năm chính quyền địa phương đều phát động phong trào trồng cây. Khi đó, trồng toàn cây lấy mảng xanh, bóng mát. “Năm nay, lần đầu địa phương phát động trồng trầu, cau nên nhiều người thích và hưởng ứng dữ lắm. Tôi cũng trồng năm cây cau, năm dây trầu bên hông nhà. Nhìn dây trầu quấn cây cau, cảm thấy lòng thanh thản” - bà Bảy chia sẻ.

Người dân xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM đang trồng cây cau, dây trầu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Người dân xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM đang trồng cây cau, dây trầu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nói tới cây cau, dây trầu, ông Trịnh Văn Bốn (62 tuổi, ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) xúc động: “Xóm tôi trước đây vườn trầu, vườn cau nhiều lắm. Tuổi thơ của tôi gắn liền với kỷ niệm chiều chiều ngước nhìn quày cau nặng trĩu trên cây, những trưa chơi trò trốn tìm giữa vườn trầu đầy lá. Thời kinh tế thị trường, vườn cau, vườn trầu dần nhường chỗ cho những nhà hàng, khách sạn… Nghĩ mà buồn”.

Có lần, đứa cháu 10 tuổi kêu ông Bốn dẫn đi xem cây cau, dây trầu để biết. Chiều cháu, ông Bốn tìm khắp xóm nhưng không ra. Cuối cùng, ông Bốn chở cháu qua các con hẻm ngoằn ngoèo ở làng trên mới thấy được những dây trầu, cây cau ít ỏi còn lại. “Mới đây, chính quyền địa phương phát động phong trào trồng cây cau, dây trầu nên bà con vui lắm. Nhà rộng thì trồng 5-10 cây cau với dây trầu, nhà chật thì trồng 2-3 dây trầu với cây cau. Mọi người mong trầu, cau mau lớn để tô đẹp hình ảnh làng quê yên bình” - ông Bốn trải lòng.

Không đánh mất hình ảnh “18 thôn vườn trầu”

Bà Ngô Thị Hoàng Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hóc Môn, UBND xã Xuân Thới Sơn cùng các xã, thị trấn còn lại của huyện này phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2022 gắn với trồng cây cau, dây trầu.

“Đây là năm đầu tiên Hóc Môn phát động trồng trầu, cau nên bà con trong xã tích cực hưởng ứng. Trước trụ sở UBND xã Xuân Thới Sơn cũng trồng gần 20 cây cau và dây trầu đang đâm chồi ra lá, bà con đến liên hệ công việc cứ tấm tắc khen đẹp” - bà Hân nói.

“Mô hình “Xanh trong xóm, xanh ngoài ngõ” nhằm tạo mảng xanh trong khuôn viên nhà ở, ngoài ngõ trước cửa mỗi nhà được UBND xã Tân Thới Nhì phát động khá lâu và nhận được sự đồng thuận của bà con trong xã. Những năm trước, đa phần trồng cây quanh nhà để lấy bóng mát hoặc bố trí các chậu kiểng treo trước mái hiên. Năm nay, nhà nào còn đất trống thì trồng cây cau, dây trầu” - ông Tô Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, chia sẻ.

Thực tế cho thấy cây cau, dây trầu trên địa bàn xã Tân Thới Nhì ngày càng ít đi do tác động của kinh tế thị trường. Bởi vậy, việc bà con trồng lại dây trầu, cây cau mặc dù chưa nhiều nhưng là tín hiệu đáng mừng. “Hy vọng các cháu nhỏ sau này được nhìn tận mắt cây cau, dây trầu do ba má, ông bà trồng, chứ không chỉ được thấy qua sách vở” - ông Tùng bày tỏ.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, trải lòng: “Nhắc tới huyện Hóc Môn, nhiều người nghĩ ngay đến quê hương “Bà Điểm - 18 thôn vườn trầu”. Ấy vậy mà cây cau, dây trầu trên địa bàn xã Bà Điểm giờ không còn nhiều. Trước đây, vườn trầu, vườn cau san sát, mát rợp trời. Giờ thì thưa thớt bởi nhiều nhà đúc, hàng quán… mọc lên”.

Trồng cau, trầu góp phần phát triển du lịch sinh thái
địa phương

Công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên cũng mang đến những thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Trồng cây xanh, cau, trầu chẳng những bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn làm đẹp cảnh quan. Trồng cây cau, dây trầu còn giúp thế hệ trẻ huyện Hóc Môn nhận thức được trách nhiệm đối với đất nước. Qua đó góp sức xây dựng quê hương, tô thêm nét đẹp văn hóa trên mảnh đất “18 thôn vườn trầu” giàu truyền thống yêu nước, đồng thời phát triển du lịch sinh thái địa phương.

Ông TRẦN VĂN KHUYÊN, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm