Từ vỡ đập Nova Kakhovka lo tới Nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

(PLO)- Đập Nova Kakhovka bị vỡ gây ngập úng hàng loạt khu dân cư dọc bờ sông Dnipro, làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ở Nhà máy Zaporizhzhia gần đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-6, đập thủy điện Nova Kakhovka bị vỡ khiến mực nước ở sông Dnipro tăng hơn 10 m tại TP Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson (Ukraine). Cả Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau là bên gây ra vụ việc.

Ukraine cáo buộc Nga phá hủy đập bằng thuốc nổ. Tình báo quân sự Ukraine tuyên bố các lực lượng Nga gây ra vụ việc trong “cơn hoảng loạn” và cho thấy “Kremlin không tư duy ở cấp chiến lược mà chỉ dừng lại ở lợi ích tình thế ngắn hạn”.

Trong khi đó, ông Vladimir Leontyev, Thị trưởng TP Nova Kakhovka do Nga bổ nhiệm, khẳng định một phần đập đã bị phá hủy do pháo kích từ phía Ukraine và việc con đập bị phá hủy là “hành động khủng bố nghiêm trọng”, theo hãng thông tấn TASS.

Vai trò quan trọng của đập Nova Kakhovka

Đập Nova Kakhovka nằm trong khu vực do Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, phía nam Ukraine, cao 30 m và dài 3,2 km, được xây dựng vào năm 1956 trên sông Dnipro.

Ít nhất 150 tấn dầu máy từ đập Nova Kakhovka đã rò rỉ vào sông Dnipro, thiệt hại về môi trường ước tính khoảng 53,8 triệu USD, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ukraine Ruslan Strilets cho biết ngày 6-6.

Từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, đập Nova Kakhovka rất được chú ý vì tầm quan trọng chiến lược của nó cũng như mức độ thiệt hại nếu bị phá hủy. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây có động thái ngăn chặn Nga đánh nổ đập, bởi việc phá hủy đập “sẽ gây ra thảm họa quy mô lớn” có thể sánh với “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, theo hãng tin Reuters.

TASS đưa tin hiện tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại TP Nova Kakhovka sau vụ vỡ đập. Thị trưởng Leontyev cho biết hiện TP này đang bị ngập úng nghiêm trọng với hơn 600 ngôi nhà thuộc ba khu dân cư bên bờ sông chìm dưới nước. Đất nông nghiệp dọc sông Dnipro bị cuốn trôi. Mực nước lúc này tại nhiều nơi ở TP Nova Kakhovka đã lên cao 10 m. Người dân gần các khu này đang được đi sơ tán, chưa có báo cáo thương vong.

Tổng thống Zelensky ngày 7-6 tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) để các cơ quan quốc tế điều tra, theo đài CNBC. Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng rằng vụ việc đập Nova Kakhovka bị vỡ “nên trở thành chủ đề của các cuộc nghiên cứu và điều tra trên toàn thế giới”.

Ảnh vệ tinh ngày 7-6 cho thấy mức độ hư hại của đập Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson (Ukraine) sau khi bị vỡ. Ảnh: REUTERS

Ảnh vệ tinh ngày 7-6 cho thấy mức độ hư hại của đập Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson (Ukraine) sau khi bị vỡ. Ảnh: REUTERS

Về phía các nước phương Tây, trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 6-6, các quan chức Mỹ cho biết hiện chưa có thông tin chắc chắn về vụ vỡ đập Nova Kakhovka, chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, thông qua đánh giá sơ bộ thì Nhà Trắng cho rằng nguyên nhân khiến con đập bị vỡ nhiều khả năng là do Nga.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh nếu vụ vỡ đập được chứng minh là hành vi cố ý của Nga thì đây sẽ là “một vết đen mới” trong hoạt động của Nga ở Ukraine, theo đài BBC. Các cơ quan quân sự và tình báo của Anh đang xem xét sự việc và sẽ công bố kết quả điều tra trong thời gian tới.

Rủi ro Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Không chỉ ảnh hưởng tới khả năng cung cấp điện và gây ngập úng hàng loạt khu dân cư, đập Nova Kakhovka bị vỡ còn tiềm ẩn một rủi ro khác khi nó là nơi cung cấp nước làm mát cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở gần đó hiện cũng đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Nếu không có đủ nguồn nước, Nhà máy Zaporizhzhia sẽ không thể làm mát hệ thống, vận hành các máy phát điện và từ đó có thể làm rò rỉ hạt nhân.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Nhà máy Zaporizhzhia không gặp nguy hiểm tức thời vì các hồ chứa nước làm mát của nhà máy vẫn đang đầy và đủ đáp ứng trong vài tháng tới. Ngoài ra, nhà máy này cũng có máy bơm để lấy nước từ các nguồn thay thế, cũng như việc cơ sở này ngưng hoạt động nhiều tháng qua vì chiến sự nên cần ít nước làm mát hơn bình thường. Các chuyên gia IAEA đang liên tục theo dõi nhà máy để cập nhật thông tin.

Tuy nhiên, tờ The Guardian cho rằng trường hợp xấu vẫn có thể xảy ra, vụ vỡ đập có thể gây nguy hiểm lâu dài cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Chuyên gia hạt nhân Edwin Lyman thuộc tổ chức Liên minh các nhà khoa học có quan tâm (Mỹ) ví tình hình tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lúc này là một quả bom đang nổ chậm.

Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an hôm 6-6, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cũng cảnh báo rằng nước hồ chứa của đập Nova Kakhovka tiếp tục rút “và không thể tiếp tục bơm nước cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”, theo đài CNN.

Trung Quốc “kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những phát ngôn, hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”, vì “trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể bị loại trừ”.•

Ảnh hưởng chiến lược từ vụ vỡ đập Nova Kakhovka

Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), vụ vỡ đập Nova Kakhovka làm ảnh hưởng tới các tính toán quân sự của cả Nga và Ukraine. Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, người hiện giữ chức cố vấn của cơ quan này, cảnh báo rằng vụ vỡ đập khiến Ukraine chấm dứt hy vọng có thể vượt sông Dnipro để phản công.

Con sông là ranh giới tự nhiên ngăn cách khu vực do Ukraine và Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson: Phía Kiev ở bờ tây, trong khi Moscow ở bờ đông con sông. Khu vực này từng được xem là một địa điểm khả thi để Ukraine mở cuộc phản công sắp tới nhưng với việc vỡ đập, kế hoạch này sẽ khó trở thành hiện thực.

“Vượt sông để phản công lúc này là không thể, ngay cả việc tấn công ở toàn bộ khu vực cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều” - ông Zagorodnyuk đánh giá.

Tuy nhiên, Nga cũng đang đối mặt với loạt thách thức vì đập Nova Kakhovka bị vỡ. Các vị trí quân sự của Nga dọc theo sông Dnipro cũng như các tuyến đường tiếp tế quan trọng đều bị ngập. Ngoài ra, vụ việc có thể gây nguy hiểm tới hoạt động cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea - vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine năm ngoái. Con sông này cung cấp 85% nước ngọt cho bán đảo Crimea, hầu hết dùng cho hoạt động nông nghiệp.

Trước đây, sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Ukraine từng chặn con sông khiến Crimea đối diện với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Ngay sau khi tiến vào tỉnh Kherson năm ngoái, Nga đã khơi thông lại con sông và đưa nguồn nước ngọt về Crimea.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm