Vườn nhà Mộc lan tỏa nghị lực và tình yêu thương

  Video: Nghị lực của cô gái bị bệnh xương thủy tinh

Cô gái đầy nghị lực ấy là Nguyễn Thùy Trang (SN 1999, ngụ huyện Chợ Mới, An Giang). Trang sinh ra đã mắc bệnh xương thủy tinh, căn bệnh làm cho xương bị loãng, giòn và dễ gãy, người bị bệnh này cũng rất khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng Trang vẫn lạc quan làm đẹp cho đời bằng nghề làm hoa giấy.

Chị Nguyễn Thùy Trang, cô gái mắc bệnh xương thủy tinh, với nghị lực vượt lên số phận.

Vượt lên số phận

Từ khi lọt lòng đến nay, Trang đã mang trong mình căn bệnh quái ác xương thủy tinh. Khi phát hiện, gia đình đã đưa chị đi khám, điều trị nhiều nơi nhưng tất cả đều không có hy vọng. Trang kể không ít lần chị nhận được khá nhiều lời nói, ánh mắt kỳ thị của nhiều người xung quanh.

“Từng có khoảng thời gian tôi không dám ra ngoài, người khác đến nhà chơi tôi cũng cảm giác rất sợ người ta nói gì đó về mình” - chị Trang tâm sự. Thế nhưng thay vì ngồi để suy nghĩ về những lời nói, cử chỉ gây tổn thương đó, chị Trang quyết định tìm cho mình một công việc vừa kiếm được tiền vừa tô đẹp cho đời. Cách đây bốn năm, Trang quyết định chọn nghề làm hoa giấy kiếm thu nhập phụ gia đình, vừa để tự tạo niềm vui cho mình.

Không nhiều người vượt qua được mặc cảm

Khi đã học được và thành thạo công việc làm hoa giấy, chị Trang muốn hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh. Vậy là thông qua Facebook, chị Trang đã chia sẻ kinh nghiệm để những người khác có thể làm để kiếm thêm thu nhập và tìm niềm vui từ nghề làm hoa giấy handmade. Thế nhưng không có quá nhiều người học và theo nghề.

“Tôi đã kết nối được khoảng 20-30 bạn cùng hoàn cảnh nhưng điều mà tôi nhận ra được là họ có một mặc cảm rất lớn, nỗi buồn và nhiều thứ khác ám ảnh các bạn. Vì vậy, các bạn khó tiếp cận công việc này và làm tốt” - chị Trang cho biết. 

“Qua xem trên mạng có rất nhiều sản phẩm handmade nhưng tôi chọn làm hoa giấy vì nguyên liệu dễ tìm và phù hợp với sức khỏe của mình” - chị Trang lý giải.

Những bước đi đầu tiên lúc nào cũng gặp nhiều khó khăn, chị Trang cũng vậy, lúc mới bắt tay vào nghề làm hoa giấy từng bị hư rất nhiều. Có lúc chị tự nghĩ mình không có hoa tay, cạnh đó với sức khỏe không tốt nên quá trình bắt đầu khó hơn nhiều lần so với người khác. Thời điểm đó chị Trang từng suy nghĩ thoáng qua: Công việc này có phù hợp với bản thân hay không, có nên dừng lại hay không?

Suy nghĩ rồi thì thấy đó vẫn là đam mê và là cơ duyên của mình nên chị Trang quyết tâm học và phải làm được. Vậy là sau gần hai năm vừa học qua mạng và vừa làm với không ít thất bại, đến nay chị Trang được nhiều người biết đến.

Lúc đầu, chưa tự tin với sản phẩm làm ra nên chị Trang chỉ đăng trên Facebook cá nhân và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Từ kết quả ban đầu đã làm động lực để chị Trang đưa sản phẩm hoa giấy ra thị trường nhiều hơn và thu hút khá đông khách hàng vào trang Facebook Vườn nhà Mộc để tìm cho mình một sản phẩm ưng ý.

Chị Trang cho biết: “Khi đã thạo việc và cảm thấy làm tốt, sản phẩm bán ra thị trường được nhiều người đón nhận tôi cảm thấy rất vui, có niềm tin trong cuộc sống hơn. Và vậy là mình cũng có lý do để mỗi ngày thức dậy sáng tạo để sống vui và làm đẹp cho đời hơn”.

Trải lòng với người khó khăn hơn

Một điều đáng trân quý ở chị Trang là dù bị bệnh xương thủy tinh, đi đứng phải rất thận trọng nhưng nhiều năm qua chị luôn có những chuyến thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh. Không nhớ đã đi bao nhiêu chuyến và đã giúp bao nhiêu người, chị Trang chỉ nhớ bắt đầu công việc này từ nhiều năm trước.

Những chuyến thiện nguyện đầu tiên của chị Trang là giúp các hoàn cảnh khó khăn ở An Giang, đặc biệt là vùng biên giới. Rồi dần dần chị đi xa hơn để hỗ trợ nhiều người hơn ở các tỉnh miền Tây, thậm chí có lần chị đi tận Tây Ninh.

“Trong một lần nói chuyện với người chị về việc giúp đỡ những cảnh đời khó khăn hơn, mình đã đồng ý tham gia cùng chị. Vậy là mình bắt đầu đi nhưng càng đi càng khó khăn thì mình càng có động lực hơn để giúp đỡ, chia sẻ với nhiều người hơn. Mỗi lần hỗ trợ được một hoàn cảnh, mình cảm thấy như xoa dịu được nỗi đau của mình nên cứ thế mà đi, không biết mỏi mệt” - chị Trang bộc bạch.

Dì Hai là người luôn hỗ trợ, giúp đỡ chị Trang từ nhỏ đến giờ.

Những thành công của chị Trang không thể không nhắc đến dì Hai, người luôn đồng hành cùng chị từ nhỏ. Dì Hai tên là Nguyễn Thị Xuân (SN 1953, cùng ngụ huyện Chợ Mới, An Giang), là bạn của mẹ chị Trang. Khi chị Trang vừa chào đời, bà đã đến giúp đỡ mẹ chị sau sinh rồi “mến tay mến chân từ đó”. Bà Xuân kể lúc đó mẹ chị Trang cũng có đem chị về nhà nhưng chị cứ khóc hoài nên đưa lại cho bà nuôi. Vậy là từ đó đến nay bà đã nuôi chị Trang khôn lớn.

“Lúc đầu tôi chỉ nghĩ giúp mẹ của Trang một thời gian thôi nhưng không hiểu sao tình thương ngày càng lớn, vậy là tôi nuôi từ đó đến giờ. Nuôi Thùy Trang phải kỹ lắm, nói chung tay chân Trang mềm lắm, cả cột sống cũng mềm. Cho nên khi ẵm hay di chuyển phải rất kỹ” - bà Xuân nói.

Hơn 20 năm nay, bà Xuân luôn yêu thương, xem chị Trang như con ruột. Từng sinh hoạt hằng ngày một tay bà Xuân lo liệu, rồi lớn lên bà lại phụ chị Trang trong công việc làm hoa giấy. Trong những chuyến chị Trang đi làm thiện nguyện, bà Xuân đều đi theo để hỗ trợ chị Trang việc di chuyển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm